Updated: 11/05/2025 - By: - Categories: Tỉnh thức

Những suy nghĩ và hành động hàng ngày của bạn ở hiện tại phản ánh tư tưởng sống của bạn và nó quyết định những khổ đau mà bạn sẽ phải đối mặt trong tương lai. Khi nào bạn đi theo những lý tưởng sống mà vũ trụ thiết kế cho con người thì lúc đó bạn mới bớt khổ và đến gần với giác ngộ. Muốn tỉnh thức hay đơn giản chỉ là hướng đến hạnh phúc, việc đầu tiên bạn phải làm là tìm ra cái khiến mình khổ để thoát ra. Trong bài này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tự tìm ra cái khổ của mình để thoát khổ và hướng đến lý tưởng sống hạnh phúc mà vũ trụ thiết kế cho con người.

Bạn có đang thực sự hạnh phúc?

khi-hanh-phuc

Nghịch lý lớn nhất của thời đại này là: rất nhiều người đang khổ mà không hề biết mình khổ. Hãy nhìn cách họ vui vẻ như thế nào khi sắp đến những kỳ nghỉ lễ kéo dài và tinh thần chán chường của họ khi sắp làm việc lại sẽ biết họ không hạnh phúc với công việc họ làm. Người mà hạnh phúc thực sự thì mỗi sáng thức dậy họ sẽ rất vui vẻ vì sắp được làm việc. Họ hạnh phúc trong lúc làm việc nên không cần quan tâm đến những kỳ nghỉ lễ.

Ở chiều ngược lại, không ít người cũng đang sống trong khổ đau – nhưng dưới vỏ bọc hào nhoáng của sự thành công. Họ trở thành nô lệ của đồng tiền, địa vị và ánh nhìn từ người khác. Càng được tung hô là “thành đạt”, họ càng cuống cuồng lao về phía trước, cắm đầu vào công việc, sống theo những chuẩn mực mà xã hội gán ghép cho giới tinh hoa. Họ khổ vì không thể dừng lại. Họ bất chấp sức khỏe, hy sinh đời sống cá nhân, và chấp nhận đánh đổi cả những điều mình yêu thích – chỉ để đạt được mục tiêu.

Nhiều người tưởng rằng họ đang sống tự do, nhưng thật ra là đang chạy trốn khỏi chính cuộc sống của mình. Những cuộc vui thâu đêm, những lần tìm đến rượu bia, thuốc lá, tình dục bừa bãi, hay thậm chí là lao đầu vào công việc không nghỉ… không phải là biểu hiện của sự tận hưởng, mà là cách họ né tránh đối diện với sự trống rỗng bên trong. Người thật sự hạnh phúc không cần phải tìm nơi để lẩn trốn. Họ có thể ngồi một mình trong tĩnh lặng mà không thấy trống trải. Họ không cần những cuộc vui ngắn hạn để khỏa lấp sự bất mãn dài hạn. Họ đối diện được với thực tại – và chính điều đó mới là tự do thật sự.

Người khổ đau nhất là người thường xuyên so sánh bản thân với người khác. Nhiều người sống đủ đầy nhưng vẫn không cảm nhận được hạnh phúc vì luôn thấy mình không giàu bằng người khác. Độc thân thấy người khác có vợ có chồng họ cũng khổ rồi vội vàng tìm một người nào đó để cưới cho giống số đông. Ngày lễ, dù phải chen lấn cực khổ thế nào họ cũng phải có mặt trong các đám đông, ở nhà khi người khác đi chơi khiến họ đau khổ. Với họ, làm khác số đông đồng nghĩa với thất bại. Dù cực khổ thế nào cũng phải giống người ta mới yên lòng.

Có những người luôn sống đúng mực, tử tế, biết điều và sẵn sàng hy sinh vì người khác – nghe thì cao đẹp, nhưng sâu bên trong họ lại chất chứa rất nhiều mệt mỏi và tổn thương. Họ luôn cố gắng làm hài lòng mọi người, sợ bị hiểu lầm, sợ khiến ai đó buồn lòng. Họ gồng mình để trở thành “người tốt” theo tiêu chuẩn xã hội, bất kể nhu cầu thực sự bên trong họ là gì. Họ không dám nói “không”, không dám thể hiện cảm xúc tiêu cực, không dám sống thật – chỉ vì sợ bị đánh giá, sợ bị từ chối tình thương. Sự tử tế của họ nhiều khi không xuất phát từ tình yêu mà từ nỗi sợ. Và khi sống quá lâu trong vai người tốt, họ đánh mất chính mình. Sự khổ đau của họ không ồn ào, nhưng bào mòn từ bên trong, khiến họ sống một đời không bao giờ được là chính mình.

Một số người, đặc biệt là những người nữ, khổ sở vì sự quá luyến ái của họ. Lúc nào họ cũng muốn chồng, con, cháu phải ở sát bên cạnh để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của họ. Họ có xu hướng ràng buộc người khác vào cuộc đời họ. Khi người khác hành động không như mong muốn của họ thì họ đau khổ. Sự luyến ái quá mức của những người này không những gây đau khổ cho chính bản thân họ mà còn mang đến phiền toái cho người thân của họ. Họ khổ mà không biết mình khổ.

Một dạng khổ đau âm thầm khác đến từ việc tâm trí con người không bao giờ hiện diện trong hiện tại. Có người sống mãi trong quá khứ, bị ám ảnh bởi lỗi lầm cũ, những lần thất bại, những vết thương chưa lành. Họ tự dằn vặt, oán trách bản thân hoặc người khác, như thể sống lại những bi kịch ấy mỗi ngày. Ngược lại, có người luôn bị cuốn vào tương lai: lo sợ điều tồi tệ sẽ xảy ra, vẽ ra hàng loạt kịch bản bi quan để đề phòng. Họ không thể thả lỏng, luôn sống trong bất an và vì vậy không thể tận hưởng hạnh phúc đang diễn ra trong hiện tại.

Nhiều người sống trong một nghịch lý: họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại, nhưng lại không đủ can đảm để thay đổi. Họ biết mình đang mòn mỏi trong công việc vô hồn, trong mối quan hệ bế tắc, trong lối sống khiến họ ngày càng rỗng tuếch — nhưng vẫn chọn ở lại, chỉ vì sợ. Sợ thất bại. Sợ mất cái đã quen. Sợ phải bắt đầu lại từ đầu. Kết quả là họ sống trong trạng thái dằn vặt thường trực: không vui với cái đang có, nhưng cũng không dám bước ra để tìm điều mình muốn. Họ nhìn người khác có được thứ mình khao khát — một công việc ý nghĩa, một mối quan hệ chân thật, một đời sống tự do — và bắt đầu so sánh. Càng so sánh, họ càng tự ti, càng thấy mình thất bại, càng tê liệt trong nỗi sợ.

Thấy đúng cái khổ cần buông bỏ

hanh-phuc-gian-don

Nhiều người nhìn người khác sống cực nhọc ở vùng thôn quê hay núi rừng, rồi kết luận: “Như vậy là khổ”. Nhưng chưa chắc! Có khi chính những người dân quê đó lại sống thanh thản và hạnh phúc hơn những người thành thị đang chìm trong lo âu, so sánh và căng thẳng mỗi ngày.

Khổ hay sướng không nằm ở hoàn cảnh, mà nằm ở cách bạn phản ứng với hoàn cảnh đó. Ngon hay dở, cực hay sướng — phần lớn là do thói quen tạo nên. Ngày xưa, khi còn đói khổ, người ta ăn cơm với nước tương, với chuối, với đường vẫn thấy ngon. Còn ngày nay, do đã quen với vị đậm đà, thịt cá đầy mâm, nên người ta nghĩ ăn chay là cực, là thiếu thốn. Thật ra, khẩu vị — cũng như nhiều “chuẩn mực hạnh phúc” khác — chỉ là sản phẩm của thói quen. Người miền núi thấy ăn măng rừng, rau suối là bình thường. Người miền biển quen với hải sản. Người thành phố quen với thực phẩm chế biến. Không ai “sướng” hay “khổ” hơn ai — chỉ khác nhau ở chỗ đã quen với điều gì.

Nếu bạn hiểu được điều đó, bạn sẽ không còn khổ vì những điều nhỏ nhặt như ăn uống đạm bạc hay điều kiện sống đơn sơ nữa. Ngược lại, bạn sẽ dễ thích nghi, dễ bằng lòng hơn, và tự do hơn trước những biến động của cuộc sống.

Muốn thật sự thoát khổ, bạn phải bắt đầu bằng một việc khó khăn: gỡ bỏ tất cả những tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt lên bạn. Bao nhiêu năm qua, bạn đã sống theo những khuôn mẫu được gọi là “thành công”, “đúng đắn”, “tử tế”, “sướng khổ”… do xã hội đặt ra. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: Những tiêu chuẩn đó có thật sự vì hạnh phúc của con người? Hay do một nhóm người nào đó, với mục đích nào đó dựng nên?

Để tìm ra đúng cái khiến bạn khổ, bạn phải quay vào bên trong và nhìn thẳng vào sự thật: Mình khổ vì điều gì? Vì công việc? Hay vì thái độ của mình với công việc? Vì mối quan hệ? Hay vì kỳ vọng của mình trong mối quan hệ đó? Chỉ khi nào bạn nhìn ra đúng gốc rễ của khổ đau, bạn mới có thể nhổ tận gốc nó. Bằng không, bạn sẽ mãi loay hoay đối phó với ngọn – đổi việc, đổi chỗ ở, đổi người yêu, đổi hình thức… nhưng nỗi khổ thì vẫn nguyên đó, chỉ thay hình đổi dạng.

Hãy nhớ: các chuẩn mực đúng – sai, thiện – ác, sướng – khổ thật sự không phải do xã hội định nghĩa, mà là do vũ trụ thiết kế. Chỉ một số rất ít người sống đúng với nguyên lý của vũ trụ mới có thể chạm đến giác ngộ. Còn phần đông, họ sống trong mê lầm, chạy theo lợi ích ngắn hạn, và nhìn nhận mọi thứ qua lăng kính của thành kiến, cảm xúc bốc đồng và nhu cầu cá nhân. Họ không thấy sự thật, họ chỉ thấy điều họ muốn thấy. Họ không nghe sự thật, họ chỉ nghe điều họ muốn nghe. Vì thế, nếu bạn cứ làm theo số đông, sống để vừa lòng xã hội, thì rất có thể bạn đang đi xa dần khỏi con đường giải thoát.

Tuy nhiên, bạn cũng đừng cực đoan theo kiểu “diệt cỏ phải diệt tận gốc”. Khổ vì tình cảm không có nghĩa là phải phủ nhận hoàn toàn tình dục hay các mối quan hệ. Đôi khi, chỉ cần buông bớt sự luyến ái, dành lại thời gian cho công việc, sở thích, hay mục tiêu cá nhân là đủ để cân bằng. Tương tự, nếu bạn khổ vì chạy theo vật chất, vấn đề không nằm ở vật chất mà ở sự lệ thuộc quá mức vào nó. Giảm bớt khối lượng công việc, điều chỉnh kỳ vọng là đủ — chứ không phải từ bỏ hoàn toàn tiền bạc hay cuộc sống hiện đại để rồi phải đi ăn xin hoặc vào rừng sống như thú hoang. Nếu sống tối giản đến mức cực đoan khiến bạn thật sự hạnh phúc thì không ai cấm, nhưng hãy chắc chắn đó là sự lựa chọn tự nguyện, không phải một phản ứng tiêu cực sau tổn thương.

Cần hiểu rõ rằng việc Phật Thích Ca từ bỏ hoàng cung để sống đời khất thực không đồng nghĩa với việc ai cũng phải từ bỏ tất cả mới có thể đạt đến giác ngộ. Điều mà Ngài buông bỏ thực sự là nỗi khổ khi sống trong một môi trường đầy toan tính, chiến tranh và sát phạt. Người có lòng từ bi sẽ cảm thấy rất khổ tâm khi buộc phải làm tổn hại người khác để giữ lấy quyền lực hay lợi ích của bản thân. Điều này khác hoàn toàn với những người buông bỏ tất cả đi khất thực để trở thành phật. Cũng giống như người đời cắm đầu theo đuổi tiền bạc để được gọi là “thành công”, thì người tu cũng có thể rơi vào cái vòng luẩn quẩn: theo đuổi “giác ngộ” như một thành tựu cá nhân. Một bên là “khổ vì chưa giàu”, một bên là “khổ vì chưa thành phật” — rốt cuộc, cả hai đều vẫn đang nắm giữ một dạng khổ, chỉ khác tên gọi.

Trước lúc thức tỉnh, tôi có thời gian vô định, chán chường mọi thứ, không biết sống trên đời để làm gì, thế là chơi game từ ngày này qua ngày khác mặc kệ sự đời. Nhờ nghe được những video về ý nghĩa của cuộc sống tôi mới ngộ ra mình đang rất hạnh phúc mà không biết và bắt đầu thay đổi nhận thức để tiến đến thức tỉnh tâm linh. Tôi nhận thấy trên mạng xã hội hiện tại có rất nhiều người cũng có tâm trạng chán chường giống như tôi trước lúc thức tỉnh.

Vấn đề của tôi trước lúc thức tỉnh nằm ở chỗ tôi mang tư tưởng tích trữ thật nhiều tiền để hưởng thụ dần mà không phải lao động làm việc. Và vì an nhàn, sung sướng nên tôi mới không còn cảm nhận được hạnh phúc nữa. Giây phút “Ơ-rê-ca” của tôi là khi tôi nhận ra hạnh phúc là khi được làm công việc mình thích, có động lực để phấn đấu. Người ta làm cực khổ từ sáng đến tối mà vẫn vui vẻ hạnh phúc, mình rãnh rỗi quá sinh nông nổi mới sinh chán nản.

Bất kỳ điều gì khiến bạn khổ đau mà không tìm được lối thoát bằng cách làm ngược lại. Nếu làm việc cực nhọc quá khiến bạn đau khổ thì tìm cách bớt cực nhọc lại. Nếu an nhàn là nguyên nhân gây chán nản thì bày trò gì đó ra làm để bận rộn hơn. Nếu nghèo khổ quá không sống được thì cố gắng phấn đấu học tập và làm việc nhiều hơn. Nếu si mê ai quá khiến bạn mệt mỏi chạy theo thì hãy tìm cách bớt si mê người đó lại. Nếu cảm thấy hy sinh vì người khác quá nhiều khiến bạn kiệt sức thì hãy sống cho bản thân mình nhiều hơn. Đây là cách giúp bạn vượt qua mọi khổ đau trong cuộc sống.

Làm sao để hạnh phúc bền vững?

giac-ngo-1

Cảm giác hạnh phúc, về mặt sinh học, phụ thuộc vào mức độ các hormone như dopamine, serotonin, oxytocin và endorphin được tiết ra trong não. Mỗi ngày, bạn có thể đã trải qua nhiều khoảnh khắc đáng gọi là hạnh phúc — một bữa ăn ngon, một giấc ngủ sâu, một cái ôm, hay đơn giản là ánh nắng ấm buổi sáng — nhưng bạn lại không nhận ra. Vì sao? Vì bạn đã có được chúng quá dễ dàng và quá thường xuyên.

Điều này giống như hiện tượng “lờn thuốc”: khi não bộ liên tục tiếp nhận một lượng hormone hạnh phúc ổn định, ngưỡng cảm nhận cũng sẽ dần tăng lên. Lúc này, để bạn cảm thấy “thật sự hạnh phúc”, não cần một kích thích mạnh hơn để tiết ra nhiều hormone hơn.

Những người từng trải qua mất mát hoặc thiếu thốn sâu sắc mới cảm nhận được rõ ràng nhất giá trị của những điều tưởng chừng rất bình thường. Người từng nhịn đói lâu ngày sẽ thấy hạnh phúc trào dâng chỉ với một bát cơm trắng. Người bị teo cơ nhiều năm sẽ rơi nước mắt hạnh phúc khi có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình. Người câm sẽ thấy điều kỳ diệu khi có thể nói ra suy nghĩ bằng lời, thay vì phải gồng mình diễn tả qua cử chỉ. Người mù sẽ cảm thấy như được tái sinh khi lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng. Chính sự khan hiếm đã khiến họ trân trọng từng khoảnh khắc đơn sơ. Trong khi đó, người đầy đủ quá lâu lại thường mất đi khả năng cảm nhận niềm vui giản dị vì mọi thứ đến quá dễ dàng.

Hạnh phúc không phải lúc nào cũng đến từ những điều lớn lao. Ăn uống vào được, cảm nhận được vị ngon của thức ăn, tiêu tiểu được, ngủ ngon là niềm hạnh phúc cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày của một người bình thường. Hạnh phúc khi còn có thể trò chuyện với những người thân yêu. Những người giàu có tài sản hàng trăm tỷ mà vẫn muốn tìm đến cái chết là vì họ đánh mất những niềm hạnh phúc cơ bản nhất này.

Buổi sáng thức giấc thấy cơ thể còn khỏe mạnh là đã hạnh phúc. Hạnh phúc khi được làm công việc mà mình yêu thích. Hạnh phúc khi khám phá ra những kiến thức mới mẻ trong những cuốn sách hay. Hạnh phúc khi nghe podcast và xem những video chủ đề mình quan tâm. Hạnh phúc khi chơi thể thao, rèn luyện thể chất để cơ thể luôn được khỏe mạnh.

Hạnh phúc còn đến từ sự cho đi không mong cầu nhận lại. Hạnh phúc là khi ta giúp cho những người vô gia cư có được một bữa cơm no, mua giúp những người già vài bó rau, cứu những con vật bị thương, hồi sinh một cái cây sắp héo tàn… Trong những tình cảnh khó khăn, được người khác giúp đỡ, một niềm hạnh phúc đến từ sự biết ơn dâng lên khiến ta thêm yêu đời yêu người.

Người mà làm việc chỉ vì tiền thì sẽ xem công việc như là cực hình. Họ sẽ làm qua loa cho xong chuyện và rất trông chờ vào những ngày nghỉ: thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ tết. Tuy nhiên, nếu làm việc với lòng biết ơn hoặc với tâm thế giúp đỡ người khác thì người đó sẽ hạnh phúc ngay trong lúc làm việc. Biết ơn vì lúc mình khốn khó không tìm được việc làm, ông chủ đã đồng ý nhận mình vào làm. Hạnh phúc khi những sản phẩm mình tạo ra giúp ích được rất nhiều cho người khác. Làm việc với tâm thế tích cực như thế sẽ giúp nâng cao năng suất công việc và tạo ra niềm hạnh phúc ngay trong lúc làm việc.

Những niềm hạnh phúc trên là tập hợp rất nhiều loại hạnh phúc mà 6 nhóm nhu cầu mang lại. Con người muốn đạt được hạnh phúc bền vững phải cân bằng hạnh phúc từ nhiều nguồn cấp khác nhau. Phụ thuộc vào một loại hạnh phúc nào quá sẽ dẫn đến nghiện và hiện tượng không cảm nhận được hạnh phúc như đã thảo luận. Ngoài ra, nghiện sẽ dẫn đến khó thoát ra và khi mất đi sẽ gây ra đau khổ khó vực dậy được.

Ví dụ, người nghiện ăn uống hưởng thụ sẽ liên tục tìm đến thức ăn. Biết ăn uống nước ngọt có ga, trà sữa nhiều sẽ bệnh tật nhưng họ vẫn không thể chấm dứt được cơn nghiện. Đến khi bệnh tật hối hận thì cũng đã muộn. Ví dụ khác, người mà chạy theo vật chất, quyền lực thì sẽ ngày càng muốn có thật nhiều của cải và quyền lực hơn nữa. Nó khiến họ không thể dừng lại cho đến khi nào gặp thất bại hoặc sức khỏe suy kiệt, không thể lếch thân xác bệnh tật ra khỏi giường bệnh, họ mới chịu dừng lại và suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống. Họ sẽ phải trải qua một thời gian khổ đau trước khi tìm ra lối thoát cho tâm trí và cân bằng lại cuộc sống.

Một người phát triển cân bằng 6 nhu cầu sẽ cân bằng được các nguồn cấp hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Buổi sáng vui vẻ làm việc với tâm thế sẻ chia cống hiến, chiều tập thể dục thể thao, tối nghỉ ngơi và vui vẻ bên gia đình, đọc sách và học hỏi thêm kiến thức mới, ngủ sớm dậy sớm để lấy lại tinh thần minh mẫn cho ngày hôm sau, cuối tuần thì dành thời gian cho sở thích cá nhân. Người đó sẽ cân bằng giữa việc cho đi và nhận lại. Người cân bằng như vậy sẽ có cuộc đời bình an và mạnh khỏe. Nếu lỡ mất đi một loại hạnh phúc thì người đó vẫn còn rất nhiều loại hạnh phúc khác để tiếp tục cuộc sống trước khi lấy lại sự cân bằng.

Đừng so sánh mình với bất kỳ ai

khi-hanh-phuc

Vũ trụ thiết kế con người cũng như các loài động vật khác, đói bụng thì hái trái cây ăn, no thì chơi đùa nhảy múa, muốn uống nước hoặc tắm thì ra các con suối. Cuộc sống an nhiên tự tại, không cần phải lo nghĩ cơm áo gạo tiền. Hiện nay, vẫn tồn tại các bộ tộc sống hòa hợp với thiên nhiên như vậy.

Thiên nhiên vốn dĩ có đủ thức ăn cho muôn loài chung sống hòa hợp với nhau. Chính hoạt động khai thác, tích trữ quá mức của con người làm trái đất không có đủ thời gian để tái tạo lại, khí hậu nóng dần lên, ô nhiễm môi trường, tuyệt chủng hàng loạt. Tích trữ khiến lòng sân hận trong con người lớn dần. Nó tạo ra sự so sánh, đố kỵ, hơn thua, tranh dành, thiên tai, nhân họa, hận thù và chiến tranh.

Chính con người làm cho cuộc sống của nhau trở nên khó khăn hơn. Chính những tiêu chuẩn về sự thành công trong xã hội ngày nay khiến con người đua nhau đẩy trái đất đến bờ vực của thảm họa. Bạn phải có cái thấy như vậy để không chạy theo những gì xã hội áp đặt lên cho bạn rồi đau khổ khi chưa giàu có bằng người khác. Chỉ cần bạn sống một cuộc đời bình an hạnh phúc là bạn đã sống đúng với thiết kế của vũ trụ rồi. Vì bạn là một tế bào trên cơ thể của vũ trụ (hay thượng đế). Các tế bào của thượng đế khỏe mạnh thì cơ thể thượng đế mới khỏe mạnh được.

Bạn không cần so sánh mình với ai cả. So sánh khiến cho người ta đau khổ. Ngành truyền thông đánh giá một con người qua lượng tài sản tích trữ của người đó là ngành truyền thông gieo rắc sự đau khổ và gia tăng thù hận xã hội. Sở dĩ nhiều người trầm cảm cũng bởi vì họ so sánh bản thân với những người được cho là giới tinh anh trong xã hội. Tuy nhiên, đích đến cuối cùng của con người mà vũ trụ sắp đặt là sự tỉnh thức giác ngộ chứ không phải tích trữ thật nhiều của cải hoặc là nắm thật nhiều quyền lực. Những người chạy theo của cải và quyền lực rồi cũng sẽ phải buông bỏ bớt để tuân theo khuôn khổ mà vũ trụ đặt ra.

Quan niệm sống đúng đắn

quan-niem-song-tot

Những suy nghĩ và hành động hàng ngày bạn thường xuyên làm phản ánh quan điểm sống của bạn. Cách bạn quan niệm về ý nghĩa của cuộc sống sẽ quyết định những khổ đau mà bạn phải đối mặt.

Ví dụ người vợ mà sống quá phụ thuộc, dựa dẫm vào chồng sẽ ngày đêm lo sợ mất chồng. Và những bài học nghiệp quả người phụ nữ đó nhận được sẽ rơi vào các trường hợp sau: lấy phải chồng ái kỷ, chồng ngoại tình, chồng mất sớm, chồng vũ phu, con cái hư hỏng, con cái xa lánh… Người nữ đó sẽ chịu những nghiệp quả khổ đau cho đến khi nào tự cân bằng tính nam tính nữ bên trong để có thể sống độc lập mà không cần dựa dẫm vào người khác.

Cha mẹ mang nặng tư tưởng thích an nhàn hưởng thụ, sinh con ra để cung phụng cho họ lúc về già thì càng khiến con cái rời xa họ. Ngược lại, cha mẹ mang tư tưởng còn sống, còn lao động được là hạnh phúc thì con cái của họ cũng mang tư tưởng giống hệt như họ vậy. Họ càng không muốn làm gánh nặng cho con cháu lúc về già thì con cháu lại càng muốn chăm sóc, nuôi dưỡng họ.

Những người phụ thuộc vào người khác thực chất đang mang tư tưởng ác nghiệp chính họ cũng không biết. Họ thường lấy những tiêu chuẩn số đông đặt ra về đạo hiếu, đạo vợ chồng để che đậy cho cái ác của họ. Người không muốn phụ thuộc vào người khác mới thực sự là những người giàu lòng trắc ẩn. Họ không muốn trở thành gánh nặng của người khác.

Người mà càng so đo, tính toán, khôn lỏi, ăn trên đầu trên cổ người khác thì càng bất hạnh. Người càng muốn ràng buộc người khác vào cuộc đời mình, càng sợ mất thì càng dễ mất. Đây là cách thức nghiệp quả vũ trụ vận hành thông qua luật hấp dẫn mà nhiều người không ý thức được.

Mỗi con người đều được vũ trụ ban cho một cơ thể với đầy đủ tứ chi và bộ não như nhau thì hãy biết bảo tồn và sử dụng chúng đúng cách để sống khỏe mạnh và trường thọ. Vũ trụ thiết kế con người theo kiểu cái gì không sử dụng thì cho thoái hóa sớm. Có não mà không biết dùng để đọc sách và học hỏi những điều mới thì sớm lú lẫn. Tay chân còn khỏe mạnh mà không biết dùng để lao động, làm việc thì cơ bắp thoái hóa dần, già sớm và bệnh tật.

Đừng ham thích việc hưởng thụ. Già cả không làm việc tay chân nặng nhọc được thì làm việc trí óc. Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng, yoga hoặc khí công để duy trì sức khỏe. Hãy xây dựng cho mình nhận thức đúng đắn để hạnh phúc ngay trong lúc lao động làm việc. Lười biếng và ham muốn tích trữ để hưởng thụ dần là cội nguồn của khổ đau và bệnh tật. Hầu hết những vấn đề trong xã hội ngày nay (ngoại tình, rượu bia, thuốc lá, hận thù, chiến tranh…) đều xuất phát từ thiếu vận động mà ra.

Xin chào, tôi là Siêu. Bài viết này dựa trên quan điểm của cá nhân tôi và luôn có sự thay đổi, cập nhật theo thời gian. Mong bạn tham khảo có chọn lọc và kiểm chứng lại.

You may like

Trả lời BẠCH QUỐC KHANG Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 comments

  1. Xin cảm ơn những chia sẻ quý và thật lòng của bạn 🙏

  2. Cám ơn BẠN rất nhiều! Mình tiếc là đến bây giờ mới biết kênh của BẠN.

    • Cảm ơn bạn. Tôi cũng chỉ mới phát triển kênh khoảng vài tháng gần đây.

  3. Cảm thấy như Vũ Trụ vẫn luôn sắp đặt từng thứ một cho mình vậy. Lúc nhận được từng thứ một nhỏ nhặt, hay lúc tò mò tìm đọc trên để phương tiện, thì chẳng thấy liên hệ gì, rồi bỗng bùng một ngày đẹp trời, mình lại nhận ra, “Ah! Mình có nghe qua cái này rồi nè! Ah! Cái này mình đã tìm hiểu từ trước rồi nè!” rồi lại “Òooo, hóa ra mình cũng làm nó từ lâu rồi mà không nhận ra thôi!”.
    Gom hết những kinh nghiệm lụm nhặt trước đây như công cụ để bây giờ phát huy vậy. Thật ra rất nhiều tình huống mình cảm thấy như vậy. Lần này được dâng trào cảm xúc nên lại kể ra.
    Cảm thấy thật kì diệu, haha
    Thật sự cảm ơn những điều mà bạn chia sẻ, tuy biết bản thân vẫn chưa đủ trình để “ngộ đạo”, để thấm hết những điều đó, nhưng cứ nghe thêm chút, đọc lại chút, lại thấm thêm một chút, ngộ ra thêm một chút. Hi vọng chặng đường tới sẽ học thêm từ bạn nhiều điều hơn!