Updated: 07/07/2025 - By: - Categories: Tỉnh thức

Nhiều người tin rằng bên trong mỗi con người có một “linh hồn” – một thực thể vô hình đứng sau điều khiển mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Họ cho rằng linh hồn này là “bản ngã thật sự”, và sau khi cơ thể chết đi, nó sẽ rời thân xác để tiếp tục đầu thai vào một kiếp sống khác, mang theo nghiệp lực và ký ức kiếp trước. Đây là một quan điểm phổ biến trong nhiều tôn giáo và hệ thống tâm linh trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu ta quan sát kỹ hơn dưới ánh sáng của sinh học, thần kinh học và trải nghiệm thực tế, liệu có thực sự tồn tại một “cái tôi” đứng ngoài cơ thể vật lý để điều khiển tất cả? Hay mọi thứ mà ta gọi là “tôi”, “ý chí”, “linh hồn” – chỉ đơn thuần là kết quả của dòng năng lượng vận hành bên trong cơ thể sống? Giống như dòng điện chạy qua quạt thì quạt quay, còn qua bóng đèn thì bóng đèn sáng.

Video này sẽ thử tiếp cận vấn đề đó từ một góc nhìn khác – không vội phủ nhận, nhưng cũng không phụ thuộc vào niềm tin chưa được kiểm chứng – để xem xét: liệu linh hồn có thật sự tồn tại như một thực thể tách rời khỏi thân xác, hay chính cơ thể vật lý mới là nền tảng tạo nên bản ngã con người?

Suy nghĩ khởi lên từ đâu?

mat-tai-mui-luoi-than-y

Để trả lời câu hỏi có một linh hồn điều khiển suy nghĩ của ta hay không, trước hết hãy trả lời câu hỏi: Suy nghĩ khởi lên từ đâu?

Khi trời mưa, bạn không cần phải cố gắng để nghe âm thanh mưa rơi – tiếng tí tách ấy tự động truyền đến tai bạn. Bạn cũng không cần ra lệnh cho mắt mình “nhìn mưa đi” – những hạt nước từ bầu trời rơi xuống, đập thẳng vào võng mạc, và bạn chỉ đơn giản là biết nó đang xảy ra. Sau đó, một suy nghĩ có thể khởi lên: “À, trời mưa rồi.” Trong trường hợp này, suy nghĩ không xuất hiện từ hư vô, mà được gợi lên từ âm thanh hoặc hình ảnh mà các giác quan tiếp nhận.

Tương tự, khi bạn chạm tay vào nước đá, cảm giác lạnh buốt lập tức phát sinh – không cần bạn phải “suy nghĩ ra” cảm giác đó. Khi bước vào phòng nóng, làn da bạn tự động nhận biết sự oi bức. Cảm giác nóng, lạnh, ẩm ướt, khô ráo… đều đến từ xúc giác. Mùi thơm của cà phê khiến bạn nhớ về một buổi sáng xưa – đó là khứu giác kích hoạt trí nhớ. Mùi tanh gợi cảm giác khó chịu, và bạn không chọn điều đó. Ngay cả vị đắng của cà phê hay vị ngọt của trái cây, cũng là phản ứng tự nhiên, không ai “sáng tạo” ra cảm giác ấy bằng ý chí.

Tất cả những thứ trên – hình ảnh, âm thanh, cảm giác, mùi vị, ký ức – đều không do bạn lựa chọn hay tạo ra, mà là tác động từ bên ngoài đi vào qua các giác quan, rồi tự động sinh ra suy nghĩ, cảm xúc đi kèm.

Vậy thì, có bao giờ bạn thực sự tự mình khởi tạo một suy nghĩ, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì bên ngoài hay trong quá khứ?

Hãy thử. Nhắm mắt lại và “nghĩ một điều gì đó”. Bạn sẽ thấy mình loay hoay: “Nghĩ gì bây giờ ta?” Có thể bạn sẽ chọn một thứ gì ngẫu nhiên – con mèo, quả chuối, một câu chuyện cũ – nhưng nếu nhìn kỹ, bạn sẽ nhận ra: ý định “nghĩ cái gì đó” vừa rồi cũng đến từ lời đề nghị của tôi. Và nó cũng khởi lên từ âm thanh mà tai bạn nghe. Dù bạn cố tình phủ nhận điều đó, hay vài ngày sau quay lại “nghĩ một thứ gì đó độc lập hơn”, thì động cơ để bạn làm điều đó vẫn bắt nguồn từ khoảnh khắc này – từ lời tôi nói hôm nay. Vì suy cho cùng, nếu bạn chưa từng được gợi ý “hãy quan sát suy nghĩ của mình”, thì có thể suốt đời bạn sẽ không bao giờ đặt câu hỏi: “Suy nghĩ đến từ đâu?”.

Suy nghĩ là một dòng chảy liên tục, không do bạn khởi đầu. Bạn có thể tưởng rằng mình làm chủ suy nghĩ của mình, nhưng thực tế, bạn chỉ có một mức độ tự do giới hạn trong khuôn khổ của các điều kiện sẵn có – chủ yếu là những trải nghiệm trong quá khứ, thói quen, cảm xúc và môi trường sống.

Xét về mặt năng lượng, mỗi suy nghĩ hay cảm xúc đều là những mô hình dòng chảy năng lượng, không có điểm xuất phát tuyệt đối.

Tất cả những điều đó đều là dòng năng lượng từ môi trường truyền vào hệ thần kinh, và từ đó tạo ra cảm giác, rồi sinh khởi suy nghĩ.

Nói cách khác, có một dòng năng lượng luôn vận hành liên tục giữa bạn và thế giới xung quanh, và suy nghĩ của bạn là một phần trong dòng chảy đó. Nó luôn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh: khi nóng, bạn nghĩ khác; khi lạnh, bạn nghĩ khác; khi vui hay buồn, thiếu ngủ hay khỏe mạnh – suy nghĩ cũng đổi khác. Tâm trí không bao giờ thực sự độc lập.

Nếu có ai khăng khăng rằng “phải có một điểm khởi đầu cho suy nghĩ hay cho vũ trụ”, thì câu hỏi kế tiếp sẽ luôn là: “Cái gì tạo ra điểm khởi đầu đó?” Và rồi “Cái gì tạo ra cái đã tạo ra nó?” – một chuỗi câu hỏi bất tận không có điểm dừng.

Cái gì làm nên suy nghĩ và cảm xúc?

suy-nghi-cam-xuc

Dòng năng lượng vận hành trong cơ thể con người có nguồn gốc chủ yếu từ ánh sáng mặt trời. Nó đi vào cơ thể thông qua nhiều con đường: ánh sáng trực tiếp hấp thụ qua da và mắt, thực phẩm do thực vật tổng hợp từ quang hợp, không khí mà chúng ta hít thở mỗi giây. Trong các truyền thống tâm linh, nguồn năng lượng này có những tên gọi khác nhau: Ấn Độ gọi là prana, Trung Hoa gọi là khí, phương Tây hiện đại đôi khi gọi là từ trường sinh học hoặc năng lượng sinh học.

Nhưng nếu tất cả chúng ta hấp thụ cùng một loại năng lượng từ cùng một môi trường – ăn thức ăn giống nhau, hít thở cùng một không khí, sống trong điều kiện tương tự – tại sao mỗi người lại suy nghĩ khác nhau, có cảm xúc khác nhau, tính cách khác nhau? Cùng một dòng năng lượng chảy qua hai cơ thể khác nhau dẫn đến những phản ứng khác nhau. Nguyên nhân do đâu? Có phải do linh hồn điều khiển không?

Chỉ có một câu trả lời hợp lý: sự khác biệt nằm ở cấu trúc cơ thể vật lý. Giống như một dòng điện duy nhất đi vào hai thiết bị khác nhau – một cái quạt và một bóng đèn – cái quạt thì quay, bóng đèn thì phát sáng. Cùng một nguồn năng lượng, nhưng do cấu trúc cơ học khác nhau, nên chúng biểu hiện chức năng khác nhau. Quạt không cần một “năng lượng linh hồn quạt” để quay, đèn không cần một “năng lượng linh hồn đèn” để phát sáng. Chính hình dạng, cấu trúc, và cách sắp xếp bên trong của thiết bị mới quyết định cách hoạt động của nó.

Con người cũng vậy. Nhìn từ bên ngoài, cơ thể người nào cũng tương đối giống nhau. Nhưng ở cấp độ vi tế – tế bào, mô thần kinh, các liên kết thần kinh, mạch máu, hormone, tỉ lệ nội tạng – mỗi người là một cấu trúc độc nhất vô nhị. Nhìn vào vân tay của mỗi người là thấy rõ ngay sự khác biệt ấy. Hệ thần kinh của con người – vốn là một mạng lưới siêu phức tạp gồm hàng tỷ tế bào thần kinh liên kết chặt chẽ với nhau – giống như hệ vi mạch của một bộ máy tinh vi. Cấu trúc vật lý đó quyết định cách dòng năng lượng vận hành, từ đó sinh ra suy nghĩ, cảm xúc, tính cách, và hành vi.

Ký ức – nền tảng của nhận thức và cá tính – cũng không tồn tại tách rời khỏi vật chất. Các nhà khoa học thần kinh hiện đại đã khám phá ra rằng trí nhớ và suy nghĩ không phải là những thứ “vô hình” hay bí ẩn, mà thực ra là kết quả của các hoạt động rất cụ thể trong não. Cụ thể, đó là sự liên kết và truyền tín hiệu giữa hàng tỷ tế bào thần kinh.

Khi ta khởi lên một suy nghĩ, hàng loạt tế bào thần kinh trong các vùng não khác nhau (liên quan đến cảm giác, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, ký ức, cảm xúc…) sẽ cùng lúc phát tín hiệu điện và trao đổi chất dẫn truyền thần kinh. Ví dụ: Khi bạn nghĩ đến “mưa”, một số vùng não liên quan đến xúc giác (cảm giác mát lạnh), thị giác (hình ảnh mưa), thính giác (tiếng mưa rơi), ký ức (những lần đi dưới mưa), cảm xúc (cảm giác buồn hay lãng mạn) cùng tham gia. Mỗi vùng có hàng ngàn tế bào thần kinh hoạt động, tạo nên một bản đồ thần kinh độc đáo.

Một suy nghĩ – dù đơn giản như “trời đang mưa” hay phức tạp như một kỷ niệm tuổi thơ – là kết quả của hoạt động đồng bộ giữa nhiều nhóm tế bào thần kinh. Những ký ức khác nhau được lưu trữ dưới dạng những mô hình liên kết khác nhau giữa các tế bào thần kinh. Để dễ hình dung, nó tương tự cách mã QR code lưu trữ thông tin qua một tổ hợp các điểm trắng đen độc đáo chứa thông tin số hóa.

Ta tiếp tục phân tích thêm cảm xúc là gì. Hãy nghĩ đến những lúc tức giận, có phải tim bạn đập nhanh hơn, thở nhanh hơn và cảm giác căng tức ở ngực? Như vậy, cảm xúc thực chất chỉ là hoạt động mạnh hay yếu hơn bình thường của một số cơ quan trong cơ thể. Ví dụ, tức giận là trạng thái tim đập nhanh hơn, gan sinh nhiệt mạnh hơn, phổi thở gấp hơn và não ưu tiên hơn cho phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”. Nếu nhìn kỹ, tất cả những biểu hiện ấy chỉ là sự khuếch đại tạm thời của các chức năng sinh học vốn quen thuộc – không có gì kỳ lạ. Như vậy, cảm xúc cũng chỉ là trạng thái dòng chảy năng lượng qua các cơ quan nội tạng nhanh hoặc chậm hơn so với trạng thái bình thường.

Trong các thí nghiệm thực tế, con người đã có thể cấy chip điện tử vào não, ghi lại và giải mã tín hiệu thần kinh – tức là “đọc” được suy nghĩ. Hơn thế, họ còn có thể làm điều ngược lại: gửi tín hiệu điện hoặc từ trường vào não, làm thay đổi cảm xúc, ý định hoặc thậm chí tạo ra suy nghĩ giả lập, như nghe thấy giọng nói không có thật hoặc cảm thấy hạnh phúc vô cớ.

ChatGPT-tms

Những kỹ thuật như Deep Brain Stimulation (DBS) hay Transcranial Magnetic Stimulation (TMS) đã được ứng dụng trong điều trị trầm cảm, lo âu, Parkinson – bằng cách kích thích điện từ trực tiếp vào các vùng não cụ thể, thay đổi trạng thái tinh thần của người bệnh gần như ngay lập tức. Tất cả những điều này cho thấy rõ ràng rằng: suy nghĩ, cảm xúc, ý chí – thực chất chỉ là những dao động năng lượng sinh học có thể bị đo đạc và điều chỉnh.

Hiện tượng mất đi ký ức

Nếu một suy nghĩ được lặp đi lặp lại hoặc có cảm xúc mạnh kèm theo, các kết nối thần kinh giữa các tế bào thần kinh tham gia sẽ được củng cố. Đây chính là nền tảng cho việc hình thành trí nhớ dài hạn: các tế bào thần kinh từng cùng hoạt động sẽ dễ dàng kích hoạt lại nhau trong tương lai – hay nói cách khác, một suy nghĩ được lưu trữ bằng cách ghi dấu vào mạng lưới kết nối giữa các tế bào thần kinh. Kết nối nào được sử dụng nhiều sẽ được “bảo trì” và tăng cường, còn những kết nối ít sử dụng có thể bị loại bỏ. Giống như một con đường mòn càng ngày càng rõ nét khi nhiều người đi qua, và ngược lại.

Điều này có nghĩa là ký ức luôn mang tính tái cấu trúc, không tuyệt đối chính xác, và có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, ngữ cảnh hiện tại, hay thời gian. Mưa không phải lúc nào cũng gợi đến ký ức lãng mạn mà có thể là những lần đường ngập nước, xe chết máy. Ký ức không phải là một “vật thể bất biến”, mà là một trạng thái động, phụ thuộc vào cường độ và chất lượng của các liên kết thần kinh trong mạng lưới đó.

Khi các liên kết thần kinh yếu dần đi – do thời gian, lão hóa, stress, hay tổn thương não – ký ức sẽ mờ nhạt hoặc biến mất. Đây là lý do vì sao bạn có thể quên một bài học sau vài tháng không sử dụng, hay quên mặt một người quen cũ sau nhiều năm không gặp. Quên đi, không phải vì “linh hồn” mất đi thông tin, mà vì mạng lưới liên kết thần kinh trong não đã suy yếu, ngắt kết nối, hoặc bị thay thế bằng các mẫu hình mới.

Cơ chế này cũng giúp giải thích tại sao ký ức có thể thay đổi theo thời gian, hoặc bị “làm sai lệch” bởi cảm xúc – vì mỗi lần nhớ lại là một lần tái kích hoạt mẫu hình cũ, và mỗi lần tái kích hoạt là một cơ hội để não thay đổi một phần ký ức cũ. Những hình ảnh bạn thấy trong giấc mơ, thiền định, hoặc thôi miên là kết quả tái cấu trúc lại của những trải nghiệm trong quá khứ, kết hợp với những phim ảnh bạn xem, cộng thêm trí tưởng tượng phong phú của bạn trong những lúc rảnh rỗi sinh nông nổi. Thực chất chẳng có tiền kiếp nào cả. Lúc nhỏ, tôi thường mơ thấy tôi biết bay, tối nào tôi cũng bay đi khắp nơi và giật mình thức giấc khi vướng phải dây điện, mái nhà hoặc đâm vào xe tải. Nếu có tiền kiếp, chắc kiếp trước tôi là một con chim trong Angry Birds.

Chính nhờ tính dẻo của hệ thần kinh – tức khả năng tự tái cấu trúc và hình thành các kết nối mới giữa các tế bào thần kinh – mà con người có thể thay đổi chính mình. Những thói quen cũ, hay còn gọi là nghiệp, dù đã được lặp đi lặp lại suốt nhiều năm và in sâu trong mạng lưới thần kinh, vẫn có thể dần dần bị làm yếu đi nếu ta ngừng củng cố chúng. Đồng thời, nếu ta liên tục rèn luyện những hành vi, suy nghĩ và phản ứng mới tích cực hơn, hệ thần kinh sẽ tạo ra những con đường kết nối mới, khiến những phản ứng mới trở nên tự nhiên và bền vững theo thời gian.

Cơ chế này cho thấy rằng bản ngã không phải là một thực thể cố định, bất biến, mà là một quá trình liên tục, luôn thay đổi theo thời gian. Mỗi khi bạn gieo một suy nghĩ vào tâm thức – dù chỉ là một ý nghĩ nhỏ bé lặp lại – bạn đang tác động lên mạng lưới thần kinh của chính mình, đang lập trình lại bản thân một cách vô hình. Những suy nghĩ tiêu cực, nếu được lặp đi lặp lại, sẽ dần khắc sâu thành xu hướng phản ứng tiêu cực. Ngược lại, những ý niệm tích cực, từ bi, tha thứ, buông bỏ, nếu được nuôi dưỡng đều đặn, sẽ tạo ra những “đường mòn thần kinh” mới, giúp ta phản ứng bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn trong cuộc sống.

Khi mất đi một phần của não – chẳng hạn như do tai nạn, bệnh lý, hoặc phẫu thuật – người ta cũng có thể mất đi ký ức, thay đổi tính cách, hoặc thậm chí thay đổi cả hành vi. Trong một số trường hợp, việc cấy ghép nội tạng từ người này sang người khác cũng kéo theo sự thay đổi trong cảm xúc, thói quen, hoặc xu hướng tính cách – điều mà y học hiện đại đang bắt đầu ghi nhận và nghiên cứu. Nếu có một linh hồn bất biến tồn tại thì tại sao mất đi một phần cơ thể thì cũng mất luôn những ký ức liên quan đến phần cơ thể đó? Câu trả lời bản ngã gắn liền trực tiếp với cơ thể vật lý. Sau đây tôi sẽ tiếp tục chứng minh cho bạn thấy bản ngã chính là cơ thể vật lý.

Bản ngã gắn liền với cơ thể vật lý

nhan-thuc-nghien-cuu-sinh-hoc- (18)

Trong thực tế, cơ thể vật lý của mỗi người không hoạt động hoàn toàn giống nhau. Dù bề ngoài trông tương tự, nhưng bên trong – từ cấu trúc nội tạng đến hệ thần kinh – mỗi người là một thế giới riêng biệt. Ví dụ rõ ràng nhất là hệ thần kinh tự chủ, gồm hai nhánh: giao cảm và đối giao cảm. Có người thiên về trạng thái kích hoạt (giao cảm chiếm ưu thế) – dễ hưng phấn, thích tranh đấu, phản ứng nhanh; trong khi có người thiên về thư giãn (đối giao cảm mạnh hơn) – dễ mềm mỏng, dễ thỏa hiệp, phản ứng chậm hơn.

Mặc dù cả hai người đều sử dụng cùng một loại năng lượng – hấp thụ từ thức ăn, không khí và môi trường – cách mà cơ thể họ phản ứng lại với năng lượng ấy rất khác nhau. Quả tim của người thích tranh đấu thường có nhịp đập nhanh hơn, mạnh hơn, được kích thích dễ hơn bởi adrenaline. Trong khi đó, quả tim của người trầm tính lại đập chậm rãi, đều đặn, ít phản ứng với kích thích bên ngoài. Bộ não của đa số đàn ông phản ứng kém với hormone hạnh phúc serotonin hơn so với phụ nữ nên nhiều người phải tìm đến các chất kích thích để lấp đầy khoảng trống trong tâm trí.

Một ví dụ rõ nét khác là hormone insulin ở người mắc bệnh tiểu đường. Khi hai người cùng ăn một bữa ăn chứa đường hoặc tinh bột – tức cùng nạp vào một loại năng lượng giống nhau – nhưng cơ thể của người khỏe mạnh sẽ tiết insulin bình thường để điều hòa lượng đường huyết, còn người mắc tiểu đường (đặc biệt là tuýp 2) lại phản ứng kém hoặc không hiệu quả với insulin, mặc dù vẫn có insulin tiết ra. Nguyên nhân là do cấu trúc và cơ chế hoạt động của hệ thống nội tiết – đặc biệt là tụy tạng và các thụ thể insulin của người bệnh tiểu đường tuýp 2 – đã bị rối loạn hoặc suy yếu.

Một bằng chứng sinh học rõ ràng khác cho thấy bản ngã nam tính và bản ngã nữ tính không phải đến từ linh hồn, mà từ cơ thể vật lý, chính là thí nghiệm tiêm hormone giới tính chéo – tức tiêm testosterone vào cơ thể nữ giới, và estrogen vào cơ thể nam giới.

Trong thực tế, điều này không chỉ là thí nghiệm mà còn là một phần quan trọng trong liệu pháp chuyển giới hormone. Khi một người nữ bắt đầu tiêm testosterone với liều lượng đều đặn, cơ thể họ dần dần xuất hiện những thay đổi rõ rệt: giọng nói trầm hơn, cơ bắp phát triển hơn, lông tóc dày hơn, da dày và nhiều dầu hơn, chu kỳ kinh nguyệt ngừng lại, và đặc biệt là xu hướng hành vi cũng thay đổi – nhiều người trở nên quyết đoán hơn, tăng khả năng cạnh tranh, giảm nhạy cảm về cảm xúc.

Ngược lại, khi một người nam tiêm estrogen và chặn testosterone, cơ thể sẽ dần nữ tính hóa: ngực phát triển, cơ bắp mềm lại, mỡ phân bố lại giống phụ nữ, da mịn hơn, và quan trọng là cảm xúc trở nên mềm mại, dễ xúc động hơn, có xu hướng đồng cảm và thụ động hơn.

Như vậy, chỉ cần thay đổi nội tiết tố – một thành phần hóa học tự nhiên trong cơ thể – thì toàn bộ cảm xúc, xu hướng suy nghĩ, hành vi và cả cảm nhận về bản thân cũng thay đổi theo. Nếu “bản ngã nam tính” hay “bản ngã nữ tính” là do một linh hồn bất biến quyết định, thì việc thay đổi hormone không thể nào khiến họ suy nghĩ và cư xử khác đi rõ rệt như vậy được.

Những điều này cho thấy không phải một linh hồn nào đó điều phối những dòng năng lượng khác nhau đến để điều khiển cơ thể tạo ra những trạng thái khác nhau. Mà cùng một dạng năng lượng chảy qua những cơ thể khác nhau tạo ra những biểu hiện khác nhau. Không tồn tại một năng lượng “linh hồn” độc lập, thoát ly khỏi cơ thể vật lý, đứng bên ngoài điều khiển con người. Thứ mà ta gọi là “cái tôi”, “tính cách”, “ý chí”, “bản ngã” – thực chất chính là biểu hiện khi có dòng năng lượng chảy qua cấu trúc vật lý siêu phức tạp trong cơ thể này.

Khi một người ngừng tim, ngưng thở – tức là dòng năng lượng sinh học trong cơ thể đã bị gián đoạn – họ rơi vào trạng thái cận tử hoặc chết lâm sàng. Trong nhiều trường hợp, nếu được ép tim, hồi sức hô hấp đúng lúc, dòng năng lượng ấy có thể tiếp tục được duy trì và tái kích hoạt, giúp người đó sống lại. Nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời – chỉ trong vòng vài phút – tế bào não bắt đầu chết, các cơ quan ngừng hoạt động, và sự sống không thể phục hồi. Người đó sẽ chết hoàn toàn. Những trải nghiệm cận tử mà nhiều người kể lại xuất phát từ đây. Khi ngừng tim nhưng chưa chết não thì dòng năng lượng vẫn vận hành trong não và tạo ra những ảo giác.

Tất cả những điều này cho thấy rất rõ: Không có một “linh hồn” nào đứng ngoài điều khiển sự sống, và cũng không có vị thần linh nào có thể can thiệp để kéo ai đó sống dậy. Sự sống – hay cái chết – phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng vật lý và dòng năng lượng sinh học đang vận hành trong cơ thể.

Xin chào, tôi là Siêu. Bài viết này dựa trên quan điểm của cá nhân tôi và luôn có sự thay đổi, cập nhật theo thời gian. Mong bạn tham khảo có chọn lọc và kiểm chứng lại.

You may like

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *