Updated: 14/05/2025 - By: - Categories: Tỉnh thức

Nếu bạn từng cảm thấy rất giận dữ bởi những tình huống lặp đi lặp lại với những người thân mà không hiểu tại sao, thì video này là dành cho bạn. Trong video này, tôi sẽ chỉ cho bạn cách để truy tận nguồn gốc và hóa giải những cơn giận – cách mà tôi đã áp dụng thành công để hóa giải cơn giận tồn tại suốt nhiều năm mà bản thân tôi cũng không hề nhận ra mình có vấn đề với nó.

Đầu tiên, tôi phải nhấn mạnh, giận dữ không phải là kẻ thù. Giận giữ là cơ chế hoàn toàn tự nhiên của cơ thể nhằm giúp ta sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa xung quanh để bảo vệ lợi ích của bản thân. Lợi ích ở đây có thể là thức ăn, tiền bạc, thời gian, tiện nghi, danh tiếng, sự công nhận…

Sự tức giận rất quan trọng đối với sự sống vì nó bảo vệ lợi ích của ta. Tuy nhiên, khi chúng ta chỉ phản ứng mà không tìm hiểu, cơn giận có thể biến thành nỗi đau kéo dài và gây hại đến sức khỏe của bạn không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả bệnh tật trên thể xác.

Để một sự việc có thể khiến bạn tức giận mạnh và kéo dài thì chứng tỏ nó đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong cuộc đời bạn. Nhiều đến nỗi bạn xem nó như là phản xạ tự nhiên và không nhận ra mình đang gặp vấn đề với nó. Và khi bạn không nhận ra nó thì nó sẽ âm thầm lớn dần theo thời gian. Ngoài ra, bạn sẽ không bao giờ làm việc được với bóng tối của mình nếu như không biết vấn đề nằm ở đâu. Nhưng đừng lo lắng, tiếp theo tôi sẽ giúp bạn tìm ra được nguồn gốc của cơn giận và cách giải quyết chúng.

Sự lặp đi lặp lại là yếu tố quan trọng nhất để bạn truy tìm bản ngã bóng tối của mình. Hãy nghĩ về lần gần nhất bạn cảm thấy giận dữ. Đó là tình huống gì? Ai khiến bạn tức giận, lợi ích của bạn trong tình huống đó là gì? Hãy rà soát lại trong ký ức, những lần xảy ra tình huống tương tự, với những người tương tự, và quan trọng nhất là vai trò của bạn trong những tình huống đó. Dùng vai trò của bạn trong từng tình huống cụ thể để tìm ra bản ngã bóng tối trong bạn.

Ví dụ, tôi thường rất tức giận khi mẹ tôi xin tiền, hàng tháng tôi đều chu cấp một số tiền cho mẹ tôi để mẹ sống dư dả nhưng mẹ lại liên tục đòi hỏi và nói dối để xin thêm tiền từ tôi. Sau này, tôi mới biết mẹ tôi dùng tiền của tôi để giải quyết vấn đề cho những người thân bên ngoại. Tuy mỗi lần mẹ tôi xin thêm tiền tôi đều khó chịu nhưng lại nhanh chóng thỏa hiệp sau vài lần nài nỉ của mẹ, sau đó tôi lại rất tức giận. Mỗi lần tình huống tương tự xảy ra, tôi sẽ rất tức giận, liên tục chìm sâu vào vòng xoáy suy nghĩ và tức giận, dẫn đến khó ngủ liên tiếp 2-3 ngày sau đó.

Tôi đã phải đối mặt với vấn đề này rất nhiều năm cho đến sau khi tỉnh thức tôi mới nhận ra nguồn gốc vấn đề đến từ chính tôi. Tôi đã quá xem trọng tình cảm và quá dễ thỏa hiệp với mẹ của tôi. Nếu tôi không dễ dàng thỏa hiệp thì sẽ không tức giận sau khi đưa ra quyết định. Nếu tôi đặt ra ranh giới rõ ràng và kiên quyết nói “không” khi mẹ vượt qua ranh giới của tôi thì mẹ tôi đã không ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Suy cho cùng chính sự dễ thỏa hiệp của tôi đã nuôi dưỡng cho sự đòi hỏi của mẹ tôi.

Tôi sẽ phân tích ví dụ ở trên cho bạn hiểu. Tình huống lặp đi lặp lại là: mẹ tôi liên tục xin thêm tiền từ tôi và tôi dễ dàng thỏa hiệp nhưng sau đó rất tức giận. Vai trò của tôi trong tình huống đó là: tôi dễ dàng thỏa hiệp nên để sự việc tái lặp nhiều lần. Nhờ phân tích vai trò của tôi trong tình huống, tôi tìm ra nguồn gốc đến những cơn giận kéo dài là sự dễ dàng thỏa hiệp của mình. Như vậy, cái tôi cần giải quyết duy nhất là sự dễ thỏa hiệp của mình chứ không phải của bất kỳ ai khác. Bây giờ, tôi sẽ tiếp tục phân tích nguồn gốc của sự dễ thỏa hiệp của tôi đến từ đâu.

Tôi dần nhận ra rằng sự dễ dàng thỏa hiệp trong tôi bắt nguồn từ tình cảm tôi dành cho mẹ, nên mẹ mới có thể làm tổn thương tôi nhiều lần đến vậy. Nếu là bất kỳ ai khác, có lẽ tôi đã sẵn sàng rời xa họ mà không cần đắn đo. Nhưng mối quan hệ huyết thống, đặc biệt là tình mẫu tử, luôn là một điều khó dứt bỏ – nhất là trong một nền văn hóa như Việt Nam, nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm từ tư tưởng Nho giáo.

Ngay từ nhỏ, chúng ta được dạy rằng con cái phải hiếu kính, phải biết ơn và hy sinh vì cha mẹ, ông bà – như một thứ đạo lý không thể tranh cãi. Nhưng đôi khi, chính tư tưởng ấy lại bị dùng như một cái cớ để áp đặt, để bạn phải thỏa mãn những yêu cầu của họ, dù đó là phi lý. Họ lấy đạo đức và tình cảm ra để trói buộc bạn, để bạn phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn và sai lầm không phải của mình, nhưng họ không biết rằng họ cũng vì lợi ích của chính họ.

Cha mẹ sinh con nhằm mục đích có người chăm sóc, nuôi dưỡng lúc về già là họ đang vì chính họ. Họ yêu thương chính bản thân họ mà không biết, nên đến khi con cái không phụng dưỡng họ như ý muốn thì họ lại quay lại trách con cái bất hiếu. Tình yêu của họ có điều kiện, tư tưởng của họ là ác nghiệp và sẽ khiến con cháu ngày càng rời xa họ. Ngược lại, cha mẹ không áp đặt gánh nặng của bản thân lên con cái mới thực sự là cha mẹ trí tuệ và yêu thương con cái thật sự. Họ càng không muốn làm gánh nặng cho con cái thì con cái càng muốn yêu thương, chăm sóc họ.

Tôi bắt đầu thay đổi khi hiểu rõ hơn về bản chất con người. Khi tình cảm dần được cân bằng với lý trí, tôi học cách ưu tiên lợi ích cá nhân hơn. Tôi không còn dễ thỏa hiệp với mẹ tôi nữa. Mẹ muốn giúp đỡ ai thì tự mẹ đi làm kiếm tiền và lấy tiền đó ra mà chu cấp cho người khác. Mẹ sống nhờ chu cấp của tôi thì mẹ phải biết ơn tôi. Một người biết ơn thật sự thì sẽ nghĩ cách giảm bớt gánh nặng cho người giúp đỡ mình chứ không phải là đòi hỏi ngày một nhiều hơn. Mẹ tôi đã phạm phải một sai lầm lớn mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng không nên mắc phải – lấy tiền của chồng hoặc con để giúp đỡ cho bên ngoại. Hậu quả của việc làm này cực kỳ nghiêm trọng, nó đã làm tan nát rất nhiều gia đình.

Nhờ sự tỉnh thức, tôi đã tự cởi trói mình khỏi những xiềng xích của tư tưởng Nho giáo. Tôi cũng dần thay đổi tính dễ dàng thỏa hiệp của mình. Nó đã giúp tôi tránh được rất nhiều tình huống khó xử khác trong cuộc sống. Theo thuyết cân bằng 6 nhu cầu của tôi, tôi thiếu nhu cầu cạnh tranh. Tôi phải sân lên, cạnh tranh nhiều hơn vì lợi ích của bản thân. Tham sân si dùng đúng chỗ đúng lúc rất hữu ích. Người quá trọng tình cảm rất dễ bị người khác dùng tình cảm để lợi dụng. Quá ái luyến sẽ sinh sầu bi.

Tôi biết rằng nhiều người cũng gặp tình huống tương tự giống như tôi và thông suốt được nhiều điều từ video này. Tuy nhiên, cũng sẽ có người cho rằng tôi ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình chứ tỉnh thức gì. Nhưng sự thật là chính cách làm đó mới khiến tôi thoát ra khỏi khổ đau. Hay nói cách khác là tôi chơi đúng theo luật của vũ trụ, chứ không chơi theo luật của Nho giáo. Những người quá chú trọng tình cảm như tôi trước đây sẽ phải liên tục gặp khổ đau vì tình cảm, đến khi nào buông bỏ bớt sự luyến ái và biết tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình thì mới hết khổ. Luật vũ trụ không phải là sự từ bi, hy sinh một cách mù quáng, mà là sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và người khác. Hãy cẩn thận, đừng để những lý thuyết sáo rỗng dẫn dắt bạn.

Xin chào, tôi là Siêu. Bài viết này dựa trên quan điểm của cá nhân tôi và luôn có sự thay đổi, cập nhật theo thời gian. Mong bạn tham khảo có chọn lọc và kiểm chứng lại.

You may like

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *