Cách tìm và chữa tắc nghẽn luân xa (huyệt vị) bằng thiền nằm nhịp tim
Updated: 02/06/2025 - By: Siêu - Categories: Chữa lành
Trong cơ thể con người, ngoài hệ thần kinh và hệ tuần hoàn quen thuộc, còn tồn tại một hệ thống năng lượng vi tế gọi là luân xa – những trung tâm điều phối năng lượng sống phân bố rộng khắp toàn cơ thể. Khi các luân xa hoạt động thông suốt, dòng năng lượng sẽ lưu chuyển đều đặn, giúp thân thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt và cảm xúc ổn định. Nhưng khi một hoặc nhiều luân xa bị tắc nghẽn, cơ thể sẽ dần xuất hiện những rối loạn – từ mất ngủ, lo âu, suy nhược cho đến bệnh lý kéo dài không rõ nguyên nhân.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các luân xa, những nguyên nhân sâu xa gây tắc nghẽn luân xa, dấu hiệu nhận biết cụ thể và đặc biệt là một phương pháp thiền đơn giản nhưng hiệu quả giúp tìm và chữa lành các luân xa bị tắc nghẽn.
- Luân xa là gì?
- Nguyên nhân gây tắc nghẽn luân xa và triệu chứng
- Tìm và chữa tắc nghẽn luân xa với thiền nằm nhịp tim
Luân xa là gì?
Luân xa (chakra) là một khái niệm cổ xưa bắt nguồn từ Ấn Độ, đặc biệt trong các truyền thống Yoga, Ayurveda và Mật tông. Trong triết học Ấn Độ, con người không chỉ tồn tại dưới dạng thể xác mà còn có các lớp năng lượng vi tế gọi là prana (sinh khí). Prana lưu thông qua các “kênh năng lượng” (nadi), và tại những điểm giao thoa quan trọng của các kênh này, hình thành nên các luân xa. Mỗi luân xa được cho là chi phối một vùng cơ thể, một trạng thái tâm lý nhất định. Khi các luân xa vận hành hài hòa, con người khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần; ngược lại, nếu một luân xa bị tắc nghẽn hoặc mất cân bằng, năng lượng sẽ ứ đọng, gây rối loạn cảm xúc hoặc phát sinh bệnh tật trong cơ thể.
Khi so sánh các luân xa với hệ thống 365 huyệt vị và kinh lạc trong y học cổ truyền Trung Hoa, người ta nhận thấy nhiều điểm tương đồng sâu sắc. Trong y học phương Đông, cơ thể con người được xem như một chỉnh thể hài hòa giữa thể xác và khí lực – dòng năng lượng sống lưu chuyển liên tục. Hệ thống kinh lạc được coi là những “mạch dẫn” của khí, và trên các đường kinh này là hàng trăm huyệt đạo, những điểm then chốt nơi khí huyết tập trung. Nhiều huyệt đạo quan trọng như khí hải, đan điền, đản trung hay ấn đường có vị trí và vai trò khá tương ứng với các luân xa trong triết học Ấn Độ.
Từ góc nhìn của khoa học hiện đại, một số nhà nghiên cứu và thực hành yoga ngày nay đã đưa ra những liên hệ đáng chú ý giữa luân xa và hệ thần kinh. Họ cho rằng các luân xa có thể tương ứng với các đám rối thần kinh. Ví dụ, luân xa gốc (Muladhara) nằm ở đáy cột sống tương ứng với đám rối xương cùng; luân xa tim (Anahata) nằm giữa ngực trùng với đám rối tim-phổi; luân xa họng (Vishuddha) ở vùng cổ liên quan đến đám rối cổ; luân xa trán (Ajna) nằm giữa hai lông mày có liên hệ đến tuyến tùng và hệ thần kinh giao cảm. Những đám rối thần kinh này là nơi hội tụ và phân phối tín hiệu thần kinh đến nhiều cơ quan quan trọng.
Từ những trải nghiệm cá nhân sau thức tỉnh tâm linh, tôi cho rằng các luân xa là các vùng từ trường xoáy, dạng năng lượng sống được đề cập trong nhiều nền triết học cố đại là năng lượng từ tính, có nguồn gốc từ ánh sáng mặt trời. Các luân xa có vai trò điều phối dòng năng lượng từ tính vào hoặc ra khỏi cơ thể, và từ đó tạo ra chuyển động cơ học của các cơ quan nội tạng. Ví dụ, hoạt động của các luân xa nhỏ ở tim tạo ra nhịp đập của tim, hoạt động của các luân xa trong hệ hô hấp tạo ra nhịp thở.
Bạn có thể hình dung các luân xa như những máy biến thế dùng trong hoạt động truyền tải điện năng, với dây điện là hệ thống kinh lạc hay các kênh năng lượng (nadi), và các cơ quan nội tạng như là những máy móc thiết bị dùng điện năng. Các luân xa đóng vai trò như những cầu nối giúp dòng năng lượng giữa vũ trụ và cơ thể lưu thông một cách liên tục và hài hòa. Bởi lẽ, năng lượng tự nhiên lan tỏa từ chỗ dư thừa đến chỗ thiếu hụt như một quy luật hướng tới sự cân bằng.
Các luân xa hoạt động nhịp nhàng với nhau trong cơ thể như hệ thống bánh răng trong một động cơ. Một thay đổi nhỏ trong hệ sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống. Từ nhịp đập của tim, nhịp hô hấp của phổi, sự điều tiết của não, đến sự co dãn của các cơ quan nội tạng lớn nhỏ, đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng hoạt động hài hòa với nhau thì cơ thể khỏe mạnh. Ngược lại, nếu xuất hiện các khối tắt nghẽn làm rối loạn dòng chảy ở một cơ quan nào đó thì cơ thể sẽ tích tụ bệnh tật.
Nguyên nhân gây tắc nghẽn luân xa và triệu chứng
Tắc nghẽn luân xa không xảy ra ngẫu nhiên, mà thường bắt nguồn từ những yếu tố tâm lý, cảm xúc hoặc lối sống mất cân bằng kéo dài. Khi năng lượng không thể lưu thông tự nhiên qua các trung tâm luân xa, cơ thể sẽ phát ra những tín hiệu cảnh báo dưới dạng triệu chứng thể chất và rối loạn tinh thần. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này, cùng với những biểu hiện cụ thể có thể nhận biết.
1. Cảm xúc tiêu cực kéo dài
Các cảm xúc như sợ hãi, tức giận, ghen tị, buồn bã hoặc tội lỗi nếu bị kìm nén và không được giải tỏa kịp thời sẽ tích tụ lại và gây tắc nghẽn dòng chảy năng lượng trong hệ thống luân xa.
Ví dụ: Người thường xuyên tức giận dễ bị tắc nghẽn ở luân xa 3 và luân xa 4, khiến nhịp tim đập nhanh hơn bình thường dù cơn giận đã trôi qua. Những suy nghĩ tiêu cực, u uất kéo dài có thể làm rối loạn tiền đình, do năng lượng bị tắc nghẽn tại một số khu vực vùng đầu và sau gáy.
2. Chấn thương tâm lý
Những cú sốc tinh thần mạnh như phá sản, mắc bệnh nan y, bị bỏ rơi, mất người thân yêu, thất nghiệp hoặc vướng vòng lao lý thường gây rối loạn sâu sắc trong hệ thống năng lượng của cơ thể, dẫn đến tắc nghẽn luân xa nghiêm trọng.
Ví dụ: Người vừa thất bại trong sự nghiệp hoặc phá sản có thể bị tắc nghẽn luân xa 3, dẫn đến mất động lực sống, thiếu tự tin và cảm giác vô định. Người mất người yêu hoặc người thân đột ngột có thể bị ảnh hưởng đến luân xa 2, dẫn đến các triệu chứng như bất lực tạm thời, mất vị giác, ăn uống mất ngon, cảm giác mọi thứ vô vị như nhai giấy carton.
3. Chấn thương thể chất
Cơ thể vật lý và cơ thể năng lượng có mối liên hệ chặt chẽ. Vì vậy, khi cơ thể bị tổn thương – đặc biệt ở các vùng quan trọng như cột sống hay hệ thần kinh trung ương – các luân xa tương ứng cũng bị ảnh hưởng.
Ví dụ: Chấn thương tủy sống có thể làm gián đoạn dòng chảy năng lượng ở nhiều luân xa chính, dẫn đến mất khả năng vận động hoặc thậm chí rơi vào tình trạng sống thực vật.
4. Thức tỉnh tâm linh
Trong quá trình thức tỉnh tâm linh, hệ thống luân xa – đặc biệt là bảy luân xa chính – có thể trải qua sự biến đổi đột ngột và mạnh mẽ, dẫn đến rối loạn cảm xúc, thay đổi tính cách hoặc mất phương hướng. Một người sau khi thức tỉnh có thể trở nên có lòng vị tha thái quá và dễ bị dẫn dắt bởi những tư tưởng tâm linh sai lệch. Tuy nhiên, khi các luân xa được chữa lành và ổn định lại, tính cách người đó có thể dần trở về trạng thái như trước.
5. Lối sống thiếu cân bằng
Lối sống không điều độ về ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt tình dục hay giải trí đều có thể gây mất cân bằng trong hoạt động của các luân xa. Khi một số luân xa hoạt động quá mức trong khi số khác bị bỏ bê, dòng năng lượng bị rối loạn và tắc nghẽn.
Ví dụ: Sinh hoạt tình dục quá độ làm tổn thương luân xa 2, dẫn đến bất lực tạm thời và mất cảm giác ngon miệng khi ăn. Chơi game liên tục nhiều giờ có thể gây đau đầu do tắc nghẽn luân xa 6. Thiếu ngủ hoặc làm việc quá sức làm rối loạn luân xa 6 và 7, gây ra mệt mỏi mãn tính, suy giảm trí nhớ và giảm tập trung.
6. Thiếu kết nối thiên nhiên
Thiên nhiên là nguồn cung cấp prana – loại năng lượng ánh sáng cần thiết cho hoạt động ổn định của các luân xa. Khi con người sống xa rời thiên nhiên hoặc sống ở nơi thiếu ánh sáng, các luân xa dễ bị thiếu hụt năng lượng. Khi thiếu hụt năng lượng, cơ chế tự chữa lành của luân xa trong lúc ngủ không thể khởi động, dẫn đến hoạt động không ổn định và tắc nghẽn kéo dài. Sự tích tụ lâu ngày của vấn đề này gây ra các chứng mất ngủ, lo âu, trầm cảm và các bệnh mãn tính khác.
Tìm và chữa tắc nghẽn luân xa với thiền nằm nhịp tim
Bây giờ, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chữa tắc nghẽn luân xa bằng một phương pháp thiền nằm nhịp tim mà tôi đã tự học được. Trước khi bắt đầu, hãy đảm bảo nơi bạn thiền đủ ấm. Hệ năng lượng thường trở nên nhạy cảm trong lúc thiền, vì vậy nếu bạn dùng máy lạnh, hãy tắt nó đi hoặc để ở nhiệt độ cao nhất có thể. Bạn có thể nằm trên giường ngủ hoặc thảm yoga, không gối đầu, hoặc dùng gối rất thấp nếu cần.
Nằm ngửa, hai tay giang nhẹ sang hai bên, lòng bàn tay ngửa, tư thế giống như đang nằm thư giãn. Tập trung toàn bộ sự chú ý vào nhịp đập của trái tim nơi lồng ngực bên trái. Mỗi khi tâm trí bạn xao động hay suy nghĩ bất chợt nổi lên, nhẹ nhàng đưa sự chú ý quay lại nhịp tim.
Sau một khoảng thời gian – có thể là 15 phút hoặc hơn tùy mức độ tập trung của từng người – bạn sẽ cảm nhận được nhịp đập di chuyển khỏi tim, lan tỏa đến vị trí của luân xa bị tắc nghẽn gần nhất. Ví dụ: nếu luân xa số 4 đang tắc nghẽn, bạn sẽ cảm thấy nhịp đập chuyển dần đến giữa ngực, rồi dừng lại ở đó. Nó sẽ duy trì nhịp đập ở vị trí này trong vài phút để tự chữa lành. Sau khi xong, nhịp đập sẽ tiếp tục hành trình đến một luân xa tắc nghẽn khác, nếu có. Có đến khi tất cả các luân xa được chữa lành, nhịp tim sẽ mờ dần và bạn gần như không cảm nhận được nhịp đập trên bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Như vậy, bạn cũng có thể dùng phương pháp này để kiểm tra xem mình có bị tắc nghẽn luân xa hay không. Khi có luân xa tắc nghẽn, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được nhịp đập ở tim vì nó đập mạnh hơn so với bình thường. Và nhịp đập di chuyển đến vị trí nào trên cơ thể chứng tỏ vị trí đó có luân xa bị tắc nghẽn.
Mỗi luân xa sẽ duy trì nhịp đập trong khoảng thời gian khoảng 15 phút tùy vào mức độ tắc nghẽn. Trong lần đầu tiên tôi áp dụng phương pháp này để chữa lành cả bảy luân xa chính sau thức tỉnh tâm linh, tổng thời gian kéo dài đến 1 tiếng 30 phút. Quá trình này kết thúc bằng một sự lan tỏa năng lượng ở mông, cảm nhận y như là từng đợt gợn sóng ở mông.
Ngoài ra, trong lúc nằm thiền thì cơ thể bạn sẽ tỏa ra những dòng khí mát lạnh, đặt biệt ở giữa các kẽ ngón tay. Những dòng khí này rất thu hút côn trùng. Mấy con kiến nhỏ sẽ theo đó để tìm đến bạn mà cắn. Hơi khó chịu nhưng mặc kệ chúng nó. Nếu cảm thấy quá khó chịu thì bạn có thể đuổi chúng đi. Gián đoạn ngắn không ảnh hưởng đến phương pháp thiền này.
Luân xa 7 khi chữa lành bạn sẽ có cảm giác như chụm 5 đầu ngón tay trên đỉnh đầu sau đó xòe ra, cảm giác như có máy mát xa rất dễ chịu. Luân xa 5 khi chữa lành sẽ làm bạn thở ra rất mạnh như bạn cố dùng sức để thở ra nhưng hít vào tự nhiên nhẹ nhàng. Luân xa 1 thì cảm nhận như từng đợt co rút ở hậu môn. Các luân xa còn lại thì chỉ cảm nhận như nhịp nảy bình thường như có cái gì đó muốn chồi ra ngoài cơ thể.
Sau khi trải nghiệm nằm thiền và cảm nhận luân xa hoạt động, bạn có thể điều khiển chúng theo ý muốn mà không cần phải bắt đầu từ nhịp tim. Chỉ cần tưởng tượng lại cái cảm giác khi từng luân xa hoạt động là bạn có thể chữa lành cho luân xa mình muốn.
Mỗi tuần, hãy dành một ít thời gian trước khi ngủ cho thiền nằm nhịp tim để sớm phát hiện luân xa bị tắc nghẽn. Việc phát hiện sớm và chữa lành kịp thời sẽ giúp bạn ngăn chặn được rất nhiều loại bệnh tật.
Để lại một bình luận