Suy nghĩ và cảm xúc là trường từ – không tồn tại linh hồn độc lập
Updated: 18/05/2025 - By: Siêu - Categories: Giả thuyết
Nếu bạn tinh ý, sẽ thấy rất nhiều phát minh và khám phá của con người lấy cảm hứng từ những gì đã tồn tại từ lâu trong tự nhiên và vũ trụ. Ví dụ, loa phát thanh hoạt động nhờ màng rung tạo âm thanh – một nguyên lý tương tự như cách thanh quản của các loài động vật phát ra tiếng. Máy ảnh và camera mô phỏng theo cơ chế hoạt động của mắt – từ ống kính đến khả năng cảm nhận ánh sáng. Trí tuệ nhân tạo có thể lưu trữ và kết nối thông tin để tạo ra tri thức mới, gợi nhớ đến cơ chế học hỏi và tư duy của bộ não con người. Và tôi tin rằng trong tương lai, con người sẽ tiếp tục phát minh ra nhiều thiết bị mới dựa trên cơ chế hoạt động của các giác quan và cơ quan sinh học. Ví dụ như một loại máy có thể nếm thức ăn như lưỡi, hay cảm nhận mùi như mũi.
Tuy nhiên, điều tôi quan tâm trong video này không phải là những phát minh tương lai mà là giải mã tâm trí là cái gì, có tồn tại một linh hồn độc lập ngoài thể xác không. Như quan điểm đã nêu ra ở trên, học theo tự nhiên để tạo ra những phát minh mới, và ngược lại, ta có thể lấy những thành quả khoa học mà con người khám phá để giải mã tự nhiên. Tôi cho rằng tiềm thức và ý thức của con người được lưu trữ trong cơ thể theo cơ chế giống với cơ chế của ổ đĩa cứng trong máy vi tính.
Trong video này, tôi sẽ đưa ra giả thuyết của mình và đưa ra những bằng chứng và trải nghiệm cá nhân chứng minh suy nghĩ và cảm xúc là trường từ.
- Công nghệ lưu trữ dữ liệu của con người
- Suy nghĩ và cảm xúc là trường từ
- Mối liên hệ giữa từ trường và tâm trí
- Không tồn tại một linh hồn độc lập ngoài cơ thể
Công nghệ lưu trữ dữ liệu của con người
Để hiểu vũ trụ dùng cái gì để lưu trữ ý thức của các sinh vật sống hãy tham khảo những công nghệ lưu trữ dữ liệu của con người ngày nay. Bộ nhớ máy tính lưu trữ dữ liệu bằng cách chuyển đổi nó sang một chuỗi nhị phân gồm nhiều số 0 và 1 liên tiếp nhau. Mỗi chuỗi nhị phân mã hóa cho một thông tin nhất định. Ví dụ, dữ liệu “tôi ăn cơm” khi được lưu trữ trên máy tính ở dạng nhị phân sẽ là một dãy số dài đằng đẵng kiểu như 0111010001000111110010101010011.
Dữ liệu được lưu trữ trong bộ nhớ máy tính của bạn là vô số các chuỗi nhị phân chứ không phải 32 chữ cái và 10 chữ số. Ngay cả các chữ cái và các chữ số cũng được mã hóa sang các chuỗi nhị phân. Các nhà khoa học phát minh như vậy để phù hợp với các thiết bị chạy bằng điện năng. Mã 0 tương ứng với trạng thái “tắt” và 1 tương ứng với trạng thái “bật” của dòng điện. Như vậy, người ta chỉ cần chế tạo ra các thiết bị có thể biểu thị được hai trạng thái khác nhau thì có thể lưu trữ được các mã nhị phân, hay nói cách khác là lưu trữ được dữ liệu.
Có rất nhiều loại thiết bị lưu trữ dữ liệu khác nhau: đĩa mềm, đĩa CD, RAM, đĩa cứng… Mỗi thiết bị sử dụng những công nghệ lưu trữ khác nhau. Trong bài này tôi chỉ nói đại khái về 2 công nghệ lưu trữ, bộ nhớ từ (magnetic memory) và bộ nhớ điện tử (flash memory), để bạn hiểu cách các thiết bị hiện đại lưu trữ dữ liệu.
Ổ đĩa từ
Ổ cứng HDD trong máy tính của bạn chính là ổ đĩa từ. Đĩa từ được tạo ra bằng cách phủ một lớp mỏng vật liệu từ tính trên một tấm đĩa thủy tinh. Lớp vật liệu từ tính có thể ví như hàng tỷ thỏi nam châm siêu nhỏ. Trong đó, mỗi thỏi nam châm siêu nhỏ có hai cực Bắc và Nam tương ứng với 0 và 1 của mã nhị phân. Nhờ đó, đĩa từ có thể lưu trữ được dữ liệu. Để đĩa từ hoạt động, một đầu dò cơ học được thiết kế để làm thay đổi trạng thái cực của các thỏi nam châm siêu nhỏ bên trong nó. Nhờ đó, mà đĩa từ có thể đọc, ghi hoặc thay đổi dữ liệu đã được lưu trữ.
Đĩa từ
Ảnh mô phỏng vẽ bởi AI
Khác với ổ HDD, ổ cứng SSD phổ biến vài năm gần đây sử dụng công nghệ bộ nhớ điện tử (flash memory). Công nghệ lưu trữ của nó tinh vi đến cấp độ nguyên tử. Do đó, nó lưu trữ được nhiều dữ liệu hơn trong một thiết bị nhỏ gọn hơn. Nó được thiết kế với ô nhớ siêu nhỏ với các transistor được cải biến có khả năng lưu giữ electron mà không cần sự cung cấp liên tục của dòng điện. Nó dùng trạng thái không lưu trữ hoặc có lưu trữ electron để biểu đạt cho hai trạng thái 0 và 1 của mã nhị phân.
Khoa học công nghệ càng phát triển, con người càng chế tạo ra những thiết bị nhớ có kích thước ngày càng nhỏ gọn hơn nhưng lưu trữ được lượng dữ liệu ngày càng lớn. Chiếc máy tính đầu tiên do con người chế tạo ra có kích thước to bằng một tòa nhà và nặng đến 27 tấn nhưng những chiếc máy tính ngày nay có thể cầm tay và nặng vỏn vẹn chỉ vài kg.
Vậy câu hỏi đặt ra là vũ trụ có dùng cách thức tương tự để mã hóa cho ý thức của các sinh vật sống?
Suy nghĩ và cảm xúc là trường từ
Dựa trên những trải nghiệm cá nhân từ sau quá trình thức tỉnh tâm linh cho đến nay, tôi cho rằng vũ trụ cũng dùng những trạng thái năng lượng khác nhau của từng nguyên tử, phân tử để mã hóa cho tư tưởng của các sinh vật sống. Tôi phát hiện ra rất nhiều phát minh của con người đều có phần tương tự như những gì tồn tại trong tự nhiên do vũ trụ tạo ra. Tôi vốn là người không chuyên công nghệ thông tin, tôi suy luận ra cách thức vũ trụ mã hóa tư tưởng từ những trải nghiệm cá nhân. Sau đó, tôi mới tìm hiểu và biết được những công nghệ hiện đại của con người cũng dùng những cách thức tương tự để mã hóa dữ liệu lưu trữ.
Tôi cho rằng suy nghĩ và cảm xúc của con người được lưu trữ trong cơ thể theo cơ chế tương tự như cơ chế của ổ đĩa từ như đã nêu ở phần trên. Vạn vật trong vũ trụ đều được cấu tạo từ các nguyên tử, bao gồm hạt nhân (proton và neutron) và các electron chuyển động xung quanh hạt nhân nhờ lực điện từ.
Trong hầu hết các chất, moment từ của các electron thường sắp xếp ngẫu nhiên hoặc đối lập (ảnh bên trái), khiến từ trường tổng bằng không. Nam châm là trường hợp đặc biệt, khi các moment từ của hàng tỷ nguyên tử kim loại (như sắt) sắp xếp cùng hướng trong các miền từ (ảnh phải), tạo ra từ trường mạnh, dẫn đến lực hút hoặc đẩy có thể dễ dàng quan sát được. Giải thích thêm: miền từ là tập hợp nhiều moment từ của nhiều nguyên tử có cùng hướng với nhau. Chiều mũi tên không phải là chiều chuyển động của vật chất mà chỉ là chiều theo quy ước từ cực Nam đến cực Bắc.
Tôi cho rằng tập hợp moment từ theo nhiều hướng khác nhau của các nguyên tử là ngôn ngữ mà vũ trụ dùng để mã hóa cho tư tưởng của các loài sinh vật. Nói cách khác, tâm trí được lưu giữ trong cơ thể dưới dạng từ trường không đồng nhất. Nó khác với từ trường đồng nhất của nam châm nên trường từ tổng rất yếu. Những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau được mã hóa bởi các trường từ khác nhau.
Ví dụ, suy nghĩ “con mèo này dễ thương quá” được mã hóa trong một vùng nào đó trong não bộ theo dạng từ trường không đồng nhất như ảnh. Trong đó, các moment từ có nguồn gốc từ vô số các phân tử cấu tạo nên vùng não lưu trữ thông tin đó. Tương tự, những suy nghĩ khác nhau sẽ được mã hóa dưới dạng các trường từ không đồng nhất khác nhau.
Ta tiếp tục phân tích thêm cảm xúc là gì. Hãy nghĩ đến những lúc tức giận, có phải tim bạn đập nhanh hơn, thở nhanh hơn và như có cái gì đó cuồn cuộn lên ở giữa ngực có phải không? Như vậy, cảm xúc thực chất chỉ là hoạt động mạnh hay yếu hơn bình thường của một số cơ quan trong cơ thể. Ví dụ, tức giận là trạng thái tim đập nhanh hơn, gan sinh nhiệt mạnh hơn, phổi thở gấp hơn và não ưu tiên hơn cho phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”. Nếu nhìn kỹ, tất cả những biểu hiện ấy chỉ là sự khuếch đại tạm thời của các chức năng sinh học vốn quen thuộc – không có gì kỳ lạ.
Tôi cho rằng, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể đều bắt nguồn từ sự thay đổi của từ trường. Theo y học cổ truyền phương đông có 365 huyệt vị phân bổ rộng khắp cơ thể. Theo trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng chúng là các vùng từ trường xoáy. Trong tâm linh, chúng còn được gọi với cái tên là các luân xa. Chúng điều khiển hoạt động của các cơ quan trong cơ thể nhờ tương tác điện từ. Từ nhịp đập của tim, nhịp hô hấp của phổi, sự điều tiết của não, đến sự co dãn của các cơ quan nội tạng lớn nhỏ, đều được tạo ra bởi các trường từ xoáy này. Cũng tương tự như suy nghĩ, cảm xúc thực chất cũng là trạng thái các trường từ khác nhau của các cơ quan trong cơ thể.
Khác với ổ đĩa từ của máy vi tính, những viên nam châm siêu nhỏ chỉ giới hạn theo hai hướng đối lập nhau cho hai trạng thái 0 và 1, các moment từ của các phân tử cấu tạo nên cơ thể con người xoay tự do trong không gian ba chiều. Điều đó có nghĩa cơ thể con người lưu trữ được nhiều thông tin hơn rất nhiều lần so với ổ dĩa từ của máy vi tính.
Mối liên hệ giữa từ trường và tâm trí
Sau đây tôi sẽ trình bày những trải nghiệm cá nhân và bằng chứng chứng minh tâm trí của con người có sự liên quan rất lớn đến từ trường.
1. Hiện tượng rung lắc khi thiền định.
Khi thiền định, lúc tâm trí bạn ổn định và không còn bị kéo đi bởi những suy nghĩ miên man, cơ thể sẽ bắt đầu rung lắc, như có một lực hút kéo bạn nằm xuống. Tôi giải thích hiện tượng này như sau: ở trạng thái bình thường, các miền từ trong cơ thể cân bằng lẫn nhau nên từ trường tổng bị triệt tiêu. Ngược lại, ở trạng thái tâm trí trống rỗng khi thiền định hoặc ngủ, một số bộ phận trong cơ thể có các miền từ hướng xuống được tăng cường, tạo ra một từ trường tổng thể mạnh. Lúc này, cơ thể như một thỏi nam châm lớn với đầu là cực Nam, chân là cực Bắc và bị hút bởi từ trường trái đất.
Ngoài ra, sau khi thức tỉnh tâm linh, nhiều lần thức dậy sau mỗi giấc ngủ, cánh tay tôi bị hút về tủ sắt đặt cạnh giường ngủ. Tôi cho rằng trạng thái lúc mới thức giấc có từ trường tổng thể ngược hướng với trạng thái thiền và ngủ. Nói cách khác dễ hiểu hơn, nếu trạng thái ngủ đầu là cực Nam thì trong trạng thái thức giấc đầu là cực Bắc.
Tôi cho rằng sở dĩ hiện tượng này xảy ra là do ở các trạng thái khác nhau, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động mạnh yếu khác nhau. Ví dụ, khi ngủ hoặc thiền định, cơ thể sẽ tắt bớt chức năng suy nghĩ của não bộ và giảm bớt nhịp đập của tim; và làm ngược lại khi thức giấc. Hoạt động điều chỉnh này ở cấp độ lượng tử là sự thay đổi cường độ của một số miền từ tạo ra sự mất cân bằng của từ trường tổng thể như trong ảnh.
Vì từ trường trái đất có thể tác động đến từ trường của cơ thể nên chọn hướng ngủ thích hợp thuận theo từ trái đất sẽ giúp bạn có một giấc ngủ sâu. Ngược lại, bạn sẽ rất khó ngủ và gặp nhiều giấc mộng, ảnh hưởng đến sự thư thái sau khi thức giấc. Hãy thử nghiệm nhiều hướng ngủ khác nhau để tìm ra hướng tốt nhất cho bản thân.
2. Phương pháp từ trường xuyên sọ TMS.
Phương pháp từ trường xuyên sọ là minh chứng thuyết phục nhất chứng minh tâm trí của con người bị tác động bởi từ trường. Từ trường xuyên sọ (TMS) là phương pháp điều trị trầm cảm bằng cách sử dụng các xung từ trường nhẹ tác động trực tiếp lên các vùng não liên quan đến điều chỉnh tâm trạng, như vỏ não trước trán. Các xung này kích thích hoạt động thần kinh, giúp khôi phục sự cân bằng trong mạng lưới thần kinh bị rối loạn ở người trầm cảm. TMS không xâm lấn, ít tác dụng phụ và đã được chứng minh hiệu quả trong việc ổn định tâm trạng ở những bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc.
3. Trồng cây bằng ăng-ten (electroculture).
Phương pháp trồng cây bằng ăng ten là một kỹ thuật nông nghiệp sáng tạo, trong đó các ăng ten kim loại được cắm xuống đất gần rễ cây để thu và dẫn năng lượng điện từ tự nhiên, như sóng radio hoặc điện trường trong không khí, giúp kích thích sự phát triển của cây. Người ta tin rằng các ăng ten này có thể cải thiện khả năng hấp thụ khoáng chất, tăng cường trao đổi ion trong đất hoặc điều hòa sinh trưởng thông qua việc tương tác với môi trường điện từ xung quanh. Phương pháp này cho thấy mối liên hệ của từ trường đối với các hoạt động sống của thực vật. Dù chưa được khoa học chính thống xác nhận rộng rãi, phương pháp này đang được một số nhà vườn thử nghiệm như một hướng đi tiềm năng cho nông nghiệp bền vững.
4. Khi bị điện giật, con người không thể suy nghĩ bình thường.
Điện giật làm rối loạn hoạt động điện sinh học tự nhiên của hệ thần kinh và cơ bắp. Trong não, các tế bào thần kinh (neuron) giao tiếp với nhau thông qua các xung điện rất tinh vi và chính xác. Khi dòng điện bên ngoài chạy vào cơ thể, nó sẽ gây nhiễu loạn hoặc ngắt quãng các tín hiệu thần kinh, gây co cơ đột ngột hoặc tê liệt tạm thời. Trong trường hợp nặng, có thể gây mất ý thức, loạn thần, mất khả năng vận động, thậm chí ngừng tim. Vậy nên, trong lúc bị điện giật, người ta thường không thể duy trì suy nghĩ mạch lạc, thậm chí không thể nhận thức rõ ràng chuyện gì đang xảy ra.
Từ tất cả những hiện tượng đã nêu ở trên, tôi càng chắc chắn quan điểm của mình rằng vũ trụ dùng từ trường để mã hóa cho tư tưởng của vạn vật.
Không tồn tại một linh hồn độc lập ngoài cơ thể
Dưới cái nhìn khoa học, trí nhớ và tư duy được cho là kết quả của mạng lưới kết nối thần kinh và sự thay đổi về điện thế các ion hóa học. Nhưng tôi cho rằng ở cấp độ lượng tử tâm trí bắt nguồn từ sự chuyển động của các trường từ không đồng nhất. Sự thay đổi của các trường từ mới dẫn đến sự thay đổi của các tín hiệu dẫn truyền thần kinh. Điện và từ luôn gắn kết mật thiết và biến đổi song hành với nhau.
Các nguyên tử phân tử mang điện tích đại diện cho thể vật chất, từ trường mã hóa cho ý thức. Ý thức làm thay đổi vật chất; và ngược lại, vật chất định hình thói quen ý thức. Một quả tim hay tức giận có cấu trúc lượng tử khác với một quả tim dễ bao dung tha thứ dù nhìn bề ngoài chúng không có khác biệt lớn. Điều này có thể dùng để giải thích hiện tượng một người thay đổi tính cách sau khi thay máu hoặc các cơ quan nội tạng từ người khác.
Như vậy, vật chất và ý thức có sự gắn kết mật thiết và biến đổi song hành với nhau. Do đó, tôi cho rằng không tồn tại một linh hồn độc lập ngoài cơ thể vật lý. Nói dễ hiểu hơn là, nếu ví cơ thể là cái máy vi tính thì tâm trí là phần mềm được cài đặt trong cái máy đó; và nếu ta đốt cái máy vi tính ra thành tro bụi thì phần mềm cũng sẽ mất theo.
Như vậy, không tồn tại linh hồn thì có luân hồi hay không? Hãy đón xem ở phần tiếp theo.
Để lại một bình luận