Updated: 29/06/2025 - By: - Categories: Chữa lành

Có bao giờ bạn dừng lại giữa bộn bề cuộc sống và tự hỏi: Mình đang sống vì điều gì? Tất cả chúng ta rồi sẽ rời khỏi thế gian này—người giàu hay kẻ nghèo, kẻ quyền lực hay người vô danh, không ai có thể né tránh điều đó. Ngay cả Trái Đất rồi cũng sẽ ngừng quay. Vũ trụ tưởng chừng vô tận, cũng sẽ có ngày tan rã. Nhưng trong sự mong manh ấy, con người lại sống như thể mình là bất tử. Ta lao vào cuộc đua không hồi kết để kiếm tiền, thăng tiến, khẳng định bản thân… Để rồi một ngày, khi đối diện với bệnh tật, mất mát hay cái chết cận kề, ta mới sững người nhận ra: tất cả những thứ từng xem là quan trọng, hóa ra chỉ là cát bụi. Vậy… sống để làm gì? Hạnh phúc thật sự nằm ở đâu? Và làm thế nào để sống một cuộc đời không uổng phí? Hãy cùng tôi đi tìm câu trả lời, trong vài phút ngắn ngủi này.

Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?

quan-niem-song-tot

Gần đây, trên mạng xã hội, tôi tình cờ xem được một video có tựa đề “đời người rốt cuộc sống vì điều gì” của một tác giả là nhà văn. Năm nay, ông ấy đã 70 tuổi. Sau khi lắng nghe những chia sẻ của ông, tôi cảm thấy chúng thật sự đúng, đặc biệt với những người trên 30 tuổi. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ lại những điều ấy để mọi người cùng suy ngẫm.

Theo thống kê, chỉ 44% số người sống được đến tuổi 70 như ông. Vậy, còn gì để lo lắng nữa? Mỗi buổi sáng, khi tôi ăn cơm, tôi làm rơi vãi chút canh, áo dính bẩn, vợ tôi lau dọn và càm ràm. Bà ấy càm ràm suốt 55 năm, đôi khi khiến tôi nhức đầu khi bị mắng như một đứa trẻ. Điều đó làm tôi phiền lòng, nhưng rồi tôi tự hỏi: “Liệu mình còn được nghe tiếng càm ràm ấy bao lâu nữa?”

Những chuyện nhỏ nhặt như làm rơi hạt đậu phộng, hay đồ đạc vương vãi, ở tuổi này chẳng có gì là lạ. Tôi từng nghĩ mình còn khỏe như ngày trẻ, nhai đậu phộng, cắn mía dễ dàng. Nhưng giờ đây, nghĩ lại, tôi bật cười. Cuộc đời 75 năm, tôi đã mất đi nhiều thứ, nhưng có một điều khiến tôi hài lòng: tôi được vợ chăm sóc và nghe tiếng càm ràm của bà – đó thực sự là duyên phận.

Tuổi thọ con người, dù là 70, 60, hay 50, chẳng bao giờ giống nhau. Người ta thường nói, qua 50 tuổi, sức khỏe bắt đầu yếu đi từng năm. Đến 60, mỗi tháng trôi qua, cơ thể yếu hơn tháng trước. Lên 70, sức khỏe suy giảm mỗi ngày. Và nếu may mắn sống đến 80, cuộc sống chỉ còn được tính từng phút. Nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng đó là sự thật. Đến 90, chỉ ngồi bên người thân thôi đã là một điều kỳ diệu.

Cuộc sống, cuối cùng, là một hành trình. Chúng ta thường chạy theo những điều tưởng chừng quan trọng, nhưng thật ra, nhiều thứ chẳng cần phải có ý nghĩa. Cuộc đời là một chuyến đi, niềm vui không nhất thiết phải lớn lao, nỗi buồn cũng chẳng phải bi kịch. Cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm liên tục, và bạn tự do làm những điều tưởng chừng vô nghĩa, để tâm hồn được mơ mộng lúc bình minh. Ý nghĩa của cuộc đời không phải do thế gian định đoạt, mà do chính bạn quyết định. Cuộc sống là một đồng cỏ rộng lớn, không phải đường ray gò bó. Chỉ cần bạn đang tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, đó chính là ý nghĩa.

Cuộc đời ngắn ngủi, trăm năm sau, sẽ chẳng còn dấu vết của bạn. Tất cả những gì bạn từng cố gắng, từng nắm giữ, chẳng thể mang theo dù chỉ một hạt cát. Vì vậy, chúng ta chẳng có thời gian để cãi vã, buồn bã hay tính toán. Chúng ta chỉ có thời gian để yêu thương và tận hưởng những điều thoáng qua. Khoảnh khắc hiện tại là điều quan trọng nhất.

Hồi nhỏ, tôi từng quên làm bài tập về nhà mà thầy giao, cảm giác như trời sập. Đi học, trượt chân ngã, tưởng như thế giới kết thúc. Khi yêu, tôi từng nghĩ nếu mất đi người ấy, tôi chẳng thể sống nổi. Giờ nhìn lại, những điều từng tưởng không thể vượt qua đều đã trở thành dĩ vãng. Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn, đôi khi đầy tiếc nuối, nhưng tất cả đều bình thường, bất kể bạn chọn con đường nào. Có người sẽ hối tiếc, nhưng nếu thời gian quay lại, có lẽ bạn vẫn chọn như cũ.

Cuộc sống muôn hình vạn trạng. Có người 20 tuổi đã ra đi, có người 90 tuổi vẫn sống vui vẻ. Có người rời đi trong chớp mắt, có người nằm liệt giường 15 năm trước khi nhắm mắt. Dù đúng hay sai, chẳng có thước đo nào ngoài trái tim bạn. Cuộc đời ngắn ngủi, không thể tua lại. Hãy yêu thương, theo đuổi những điều quý giá và tận hưởng từng giây phút.

Nếu bạn hỏi tôi ý nghĩa của cuộc đời là gì, tôi xin trả lời: Cuộc đời vốn dĩ vô nghĩa. 99% sau ba thế hệ, thời gian sẽ xóa sạch dấu vết của bạn. Ý nghĩa của cuộc đời nằm ở những trải nghiệm ngắn ngủi bạn đang sống – đó là toàn bộ ý nghĩa. Đừng vì chút lợi ích mà tính toán, đừng vì lỗi lầm của người khác mà trừng phạt chính mình.

Ngày mai và tai họa, ai biết được điều gì sẽ đến trước? Cuộc đời vô thường, thức dậy là một ngày, không tỉnh lại nữa là cả một đời. Điều chúng ta có thể làm là dùng cả trái tim để thưởng thức từng miếng cơm, ngắm từng bông hoa, tận hưởng từng khung cảnh, hoàn thành từng trách nhiệm và cảm nhận từng khoảnh khắc. Hạnh phúc giản đơn chỉ là chín chữ: “Có nhà để về, có người chờ, có cơm ăn.” Những năm tháng bình yên, thực ra chỉ là bát cơm nóng trên bàn, ánh đèn sáng chờ bạn trở về. Cuộc đời có quá nhiều thứ thoáng qua, một ngày trôi đi, một năm trôi đi, có khi cả một đời cũng trôi qua.

Hạnh phúc mà chúng ta theo đuổi cả đời không nằm ở quá khứ hay tương lai, mà ở ngay giây phút hiện tại. Một bữa cơm trên bàn, bên cạnh gia đình, bốn mùa sum họp, khỏe mạnh và bình yên – đó chính là thiên đường của nhân gian. Hãy sống tốt, sống trọn vẹn.

Hạnh Phúc ở Hiện Tại Không Phải Là Phóng Túng

hanh-phuc-khong-phai-phong-tung

Khi nói “hãy sống hạnh phúc ở hiện tại,” người ta dễ hiểu lầm rằng: hãy tận hưởng, buông thả, sống theo bản năng. Nhưng đó không phải là hạnh phúc thật sự. Một người sống phóng túng có thể thấy vui trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, họ sẽ rơi vào vòng xoáy trống rỗng, bế tắc.

Tôi từng nghĩ rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền—đủ nhiều để có thể nghỉ làm và tận hưởng cuộc đời một cách thảnh thơi. Với niềm tin ấy, tôi lao vào kiếm tiền như một con thiêu thân. Tôi làm việc ngày đêm, bỏ qua sức khỏe, bỏ qua những mối quan hệ, chỉ để tích lũy thật nhiều, thật nhanh. Và rồi, một ngày kia, tôi thực sự có được một số tiền mà trước đây tôi chưa từng dám mơ tới. Nhưng thay vì cảm thấy mãn nguyện, tôi lại thèm khát nhiều hơn. Tham vọng không ngừng lớn lên, còn sự thỏa mãn thì ngày một xa rời.

Thế rồi tôi thất bại. Tôi không đủ nhanh, không đủ giỏi để cạnh tranh với những người khác. Thất bại đến như một cú tát thẳng vào giấc mộng giàu sang của tôi. Tôi mất hết động lực. Mỗi sáng thức dậy, tôi không còn biết mình sống để làm gì. Tôi không thể làm việc do mất hết động lực nhưng cũng không thể ngồi yên vì nghĩ đến thất bại. Trong lòng tôi là một khoảng trống lớn—lúc nào cũng dằn vặt, hối tiếc và tự trách mình.

Tôi tìm đến truyện, như một cách để trốn chạy thực tại. Ban đầu chỉ là vài trang mỗi tối, sau đó là hàng giờ, rồi cả ngày. Đắm mình vào thế giới trong truyện giúp tôi quên đi nỗi đau. Dần dần, tôi thấy mình không còn dằn vặt vì không làm việc nữa. Tôi bắt đầu chấp nhận một cuộc sống chỉ xoay quanh sự tiêu khiển và hưởng thụ.

Nhưng niềm vui ấy không kéo dài. Sau một thời gian, tôi chợt nhận ra: cuộc sống chỉ hưởng thụ mà không lao động, không mục tiêu, không kết nối… thực chất là một cái vỏ rỗng. Tôi bắt đầu cảm thấy nhàm chán, vô nghĩa, trống rỗng. Những điều từng khiến tôi hứng thú giờ cũng không còn hấp dẫn nữa. Tôi mất cảm hứng, mất động lực, và mất dần chính mình.

Chính trong sự lạc lối ấy, số phận đã lặng lẽ dẫn tôi đến những thú vui khác. Nhưng đâu cũng vào đó, tôi dần thấy chán mọi thứ và không biết sống trên đời để làm gì. Tôi bắt đầu suy ngẫm và lắng nghe về những chủ đề về ý nghĩa của cuộc sống. Tôi chợt nhận ra mình đang có rất nhiều điều kiện hạnh phúc nhưng không biết tận dụng để tạo ra hạnh phúc cho bản thân. Thế là tôi bắt đầu thay đổi cách nhìn của bản thân về những vấn đề trong cuộc sống và đi đến thức tỉnh tâm linh.

Sau một năm nghiên cứu về nỗi khổ và tâm lý của con người tôi nhận ra: thói quen suy nghĩ và hành động của mỗi người chính là nghiệp. Nghiệp xấu được tạo ra bởi lối sống mất cân bằng trong một thời gian dài. Nó tạo ra sự nghiện ngập về mặt tâm lý, do các hormone hạnh phúc điều khiển. Dù là nghiện làm việc, theo đuổi vật chất và quyền lực hay nghiện hưởng thụ, không làm gì cả—đều sẽ dẫn đến khổ đau. Khi đã nghiện, ta không còn kiểm soát được bản thân, mặc cho cơn nghiện dẫn dắt đến sự mất cân bằng ngày càng lớn. Chỉ khi cân bằng, ta mới làm chủ các nhu cầu của mình chứ không bị chúng điều khiển. Và sự cân bằng ấy cần phải được liên tục quan sát và duy trì bằng sự tỉnh thức; khi đó ta mới có được hạnh phúc bền vững. Đây chính là niết bàn mà nhiều người tu hành tìm kiếm.

Cân Bằng: Chìa Khóa Của Hạnh Phúc Bền Vững

Can-bang-nhu-cau

Hạnh phúc không đến từ việc chạy theo một loại nhu cầu duy nhất, mà từ sự cân bằng giữa nhiều khía cạnh của cuộc sống. Tôi chia nhu cầu của con người ra thành sáu nhóm chính: vận động, sinh lý, cạnh tranh, giao tiếp, nhận thức, và vị tha.

1. Nhu cầu vận động: Một cơ thể khỏe mạnh là nền tảng của hạnh phúc. Tập thể dục, đi bộ, hay chơi một môn thể thao không chỉ giúp ta khỏe mạnh hơn mà còn mang lại cảm giác sảng khoái. Hãy tưởng tượng cảm giác sau một buổi chạy bộ, khi cơ thể tràn đầy năng lượng và tâm trí nhẹ nhõm—đó là hạnh phúc.

2. Nhu cầu sinh lý: Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, và chăm sóc bản thân là những điều cơ bản nhưng không thể thiếu. Một bữa cơm ngon, một giấc ngủ sâu, hay thậm chí việc tiêu hóa tốt đều là những niềm vui giản dị mà ta thường bỏ qua.

3. Nhu cầu cạnh tranh: Con người cần những thử thách để phát triển nhưng cũng cần phải biết đủ và dừng lại kịp thời. Thay vì cạnh tranh với người khác để giành giật tiền tài, danh vọng, hãy cạnh tranh với chính mình—mỗi ngày cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.

4. Nhu cầu giao tiếp: Gắn kết với gia đình, bạn bè, cộng đồng—là nguồn hỗ trợ tinh thần to lớn. Một cuộc trò chuyện chân thành với bạn bè, được bày tỏ bản thân và được mọi người lắng nghe, chia sẻ hạnh phúc và nỗi đau trong cuộc sống—giúp giải tỏa những gánh nặng trong tâm trí ta.

5. Nhu cầu nhận thức: Học hỏi và khám phá mang lại niềm vui trí tuệ. Đọc một cuốn sách hay, nghe một podcast thú vị, hay tìm hiểu một kỹ năng mới đều là cách để ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.

6. Nhu cầu vị tha: Hạnh phúc không chỉ đến từ việc nhận, mà còn từ việc cho đi. Làm việc với tâm thế tạo ra giá trị cho cộng đồng, giúp một người vô gia cư có bữa ăn, hỗ trợ một cụ già băng qua đường, hay chăm sóc một con vật bị thương—không chỉ mang lại niềm vui cho người khác mà còn làm sưởi ấm tâm hồn ta.

Tôi cho rằng một cuộc sống hạnh phúc là khi ta biết nuôi dưỡng và hài hòa giữa các nhu cầu này. Khi ta phụ thuộc quá nhiều vào một loại nhu cầu—như ăn uống vô độ, xem video ngắn, chạy theo vật chất, hay mải mê công việc—ta dễ rơi vào trạng thái nghiện. Một người nghiện ăn uống có thể tìm niềm vui tạm thời trong những bữa ăn ngon, nhưng hậu quả là ăn uống mất kiểm soát và bệnh tật là điều tất yếu. Một người nghiện dopamine từ việc tiếp thu những kiến thức từ đọc tin tức hoặc xem video ngắn sẽ biết rất rộng, biết mọi lĩnh vực, nhưng rất hời hợt. Nếu không biết tạm gác lại niềm vui dễ dàng, không kiên trì để đào sâu, nghiên cứu một lĩnh vực cụ thể, người đó sẽ mất dần động lực sống khi không còn gì mới mẻ để khám phá, và khi nhìn lại mình chẳng thể làm một việc gì đến nơi đến chốn.

Hạnh phúc bền vững chỉ đến khi ta biết cân bằng, biết dừng lại để thưởng thức những điều giản dị. Hãy thử tưởng tượng một ngày của bạn diễn ra như thế này: Buổi sáng, bạn thức dậy sớm, tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng, ăn một bữa sáng lành mạnh, và ngồi nhâm nhi tách trà bên cửa sổ. Bạn làm việc với tâm thế cống hiến, không chỉ vì tiền mà vì niềm vui được tạo ra giá trị cho người khác. Buổi chiều, bạn dành thời gian đi dạo, trò chuyện với bạn bè, hoặc đọc một cuốn sách yêu thích. Buổi tối, bạn ăn cơm cùng gia đình, lắng nghe những câu chuyện của con trẻ, và đi ngủ với tâm trạng bình yên. Cuối tuần, bạn dành thời gian cho sở thích cá nhân—vẽ tranh, trồng cây, hay đơn giản là nằm dài nghe nhạc.

Đây không phải là một cuộc sống xa hoa, nhưng là một cuộc sống cân bằng, nơi mọi nhu cầu của bạn được chăm sóc. Khi bạn sống cân bằng như thế, dù có mất đi một điều gì đó—một công việc, một mối quan hệ, hay một cơ hội—bạn vẫn còn những nguồn hạnh phúc khác để tiếp tục tiến lên. Đây chính là hạnh phúc giản dị bạn có thể tự tạo ra cho chính mình. Nó bền vững vì không quá phụ thuộc vào một điều gì đó từ bên ngoài.

Xin chào, tôi là Siêu. Bài viết này dựa trên quan điểm của cá nhân tôi và luôn có sự thay đổi, cập nhật theo thời gian. Mong bạn tham khảo có chọn lọc và kiểm chứng lại.

You may like

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *