Updated: 25/06/2025 - By: - Categories: Tỉnh thức

Nhiều người nhầm lẫn phật Thích Ca giác ngộ nhờ 49 ngày thiền định liên tục dưới cội cây bồ đề. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại, Phật giác ngộ là nhờ từ bỏ thiền định, từ bỏ khổ hạnh, buông bỏ luôn cả mong cầu giác ngộ. Đêm Phật buông bỏ mong cầu giác ngộ cũng là đêm tối linh hồn hay thức tỉnh tâm linh của ông. Nó giống với đêm tối linh hồn của nhiều người thức tỉnh tâm linh ở thời điểm hiện tại. Trong video này, tôi sẽ làm rõ quan điểm này cùng với nhiều nhận định sai lầm khác của nhiều người về con đường của phật Thích Ca.

1. Phật bỏ cha mẹ, vợ con, hoàng cung để giác ngộ

Nhiều người mang trong mình tâm sân lớn nên khi nhìn vào con đường của Đức Phật Thích Ca, họ nhìn qua lăng kính của sự oán trách và cực đoan. Họ cho rằng cha mẹ vợ con là gánh nặng, vật chất mang đến khổ đau, phụ nữ là quỷ hút dịch não tủy, thân xác là một bọc da hôi thối, vân vân. Họ cho rằng phải buông bỏ tất cả mọi thứ thì mới có thể đạt đến giác ngộ – giống như những gì họ nghĩ Phật Thích Ca đã từng làm. Cách nhìn này không chỉ bóp méo con đường tu hành mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng người khác, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng khi người thân có ý định xuất gia.

Cách nhìn này xuất phát từ những người đã từng mù quáng chạy theo tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội và nhận lấy kết cục khổ đau. Và họ kết luận rằng tiền tài, vật chất, quyền lực, thậm chí cả những người thân mang đến khổ đau cho họ. Nhưng rõ ràng rằng điều này sai hoàn toàn, đâu có ai khổ đau vì có nhiều của cải hay quyền lực. Ai không tin thì cứ mang hết của cải cho tôi xem tôi có khổ không. Thực tế, họ khổ vì họ không biết đủ, họ muốn nhiều hơn, họ lo sợ mất đi, họ muốn mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của họ. Do đó, những người này không biết mình khổ vì cái gì nên buông bỏ sai cái và lạc lối trong mê cung do bản ngã của họ tạo ra.

Nếu biết buông bỏ đúng cái khiến họ khổ, họ chỉ cần giảm bớt kỳ vọng vào công việc, nghỉ ngơi nhiều hơn là đã tiến gần hơn giác ngộ rồi. Nhưng không, họ chọn buông bỏ tất cả khi tìm đến tâm linh vì thấy Phật Thích Ca đã từng làm như vậy. Họ tiếp tục theo đuổi những cách thức tu hành bằng cách buông bỏ cực đoan nhất để nhanh chóng giác ngộ. Họ đau khổ khi tu hoài mà không thấy giác ngộ. Họ không biết họ đã rơi vào cái vòng luẩn quẩn của bản ngã do tâm sân tạo ra.

Cũng giống như người đời cắm đầu theo đuổi tiền bạc để được gọi là “thành công”, thì người tu cũng có thể rơi vào cái vòng luẩn quẩn: theo đuổi “giác ngộ” hay “trí tuệ”. Một bên là “khổ vì chưa giàu bằng người khác”, một bên là “khổ vì chưa thành Phật” — rốt cuộc, cả hai đều vẫn đang nắm giữ một dạng khổ, chỉ khác tên gọi. Do đó không biết mình khổ vì điều gì và buông bỏ sai cái khổ thì nỗi khổ sẽ không mất đi. Nó chỉ biến tướng sang dạng tinh vi hơn với cái mác “tu hành” để đánh lừa bạn.

Thực tế, điều Phật Thích Ca buông bỏ thực sự là nỗi khổ khi sống trong một môi trường đầy toan tính, chiến tranh và sát phạt. Giai đoạn Phật rời bỏ hoàng cung là giai đoạn Phật bị ép buộc phải cầm quân đánh nhau với các bộ tộc khác để bảo vệ bộ tộc của mình. Người có lòng từ bi sẽ phải đấu tranh nội tâm rất nhiều khi buộc phải làm tổn hại người khác để dành lấy lợi ích cho bản thân. Bên cạnh đó, vào thời điểm ấy, Ngài còn trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc khi lần đầu tận mắt chứng kiến cảnh sinh lão bệnh tử – những nỗi khổ vốn dĩ là quy luật tất yếu của kiếp người, nhưng trước đó đã bị vua cha cố tình che giấu để giữ Ngài trong ảo tưởng hạnh phúc.

2. Phật bỏ cha mẹ, vợ con là vô trách nhiệm

phat

Một số người cho rằng Phật rời bỏ cha mẹ là bất hiếu, bỏ vợ con là vô trách nhiệm nên thường lấy cái đó ra để mỉa mai những người tu hành theo đạo Phật. Việc Phật rời xa cha mẹ, vợ con có thể vi phạm đạo đức do con người đặt ra nhưng không vi phạm luật vũ trụ. Luật vũ trụ là không ai phải có trách nhiệm cho cuộc đời của người khác. Có thể sẽ có người thắc mắc: làm sao mà tôi biết được luật vũ trụ? Câu trả lời rất đơn giản: khổ đau là báo hiệu sống sai quy luật vận hành của vũ trụ. Sống dựa dẫm vào người khác thì kết cục khổ đau thì tôi tin nhiều người đã từng nếm trải.

Nếu người thân của Phật đau khổ khi Ngài rời đi, thì nỗi đau đó đến từ tâm luyến ái, sự dựa dẫm, phụ thuộc của họ quá lớn. Đó là vấn đề của họ không phải vấn đề của Phật. Tự bản thân họ phải tự sửa đổi để không thấy đau khổ khi Phật rời đi. Nếu họ không tự thay đổi bản thân thì vũ trụ sẽ mang đến những bài học mất mát, chia ly theo nhiều cách khác nhau, cho đến khi họ học được cách sống không phụ thuộc vào bất kỳ ai.

Mỗi con người đều có con đường riêng để trưởng thành, và khổ đau là những bài học tất yếu trong tiến trình đó. Nếu không phải Phật ra đi thì cũng sẽ có những biến cố khác đến để dạy những người thân của Ngài cách sống độc lập. Không ai có thể gánh giùm bài học của người khác – kể cả Phật. Đây là cách mà nghiệp quả vũ trụ vận hành. Mỗi người đều phải tự đứng vững trên đôi chân của mình. Phụ thuộc, dựa dẫm vào bất cứ ai – kể cả người thân – đều dẫn đến kết cục đau khổ.

Giúp đỡ người thân nên là sự tự nguyện từ sự biết ơn và lòng vị tha, chứ không phải nghĩa vụ hay trách nhiệm do xã hội áp đặt. Chính những định kiến như “báo hiếu bằng mọi giá”, “hy sinh cho gia đình”, “cha mẹ là trên hết”… đã khiến biết bao người sống vì người khác nhiều hơn vì bản thân, khổ đau người này gây ra lại bắt người thân gánh chịu. Nó là nguyên nhân dẫn đến áp lực, oán hận, và đổ vỡ trong các mối quan hệ tình cảm.

Ngoài ra, gia đình Phật đâu có đói khổ để cần ngài ở lại chu cấp? Do đó, việc Ngài lựa chọn rời đi khi biết những người thân vẫn có thể sống đủ đầy ở hoàng cung không đi ngược lại với lòng từ bi.

Quy luật là do vũ trụ đặt ra. Ai chơi đúng luật của vũ trụ thì giác ngộ, ai chơi sai thì mãi chìm trong khổ đau. Đừng lấy luật của xã hội hay của số đông làm tiêu chuẩn. Đừng nghĩ rằng những gì nhiều người tin là chân lý. Số đông vốn dễ bị dẫn dắt bởi ảo tưởng, rất dễ bị mê hoặc bởi những người rơi vào bản ngã tâm linh. Hãy nhớ: người giác ngộ là người đã từng trải qua đủ mọi khổ đau, đủ mọi mất mát, đủ mọi ảo tưởng… và nhờ đó mới nhận ra được quy luật vận hành của vũ trụ. Họ không từ bỏ người thân vì họ chán ghét người thân, mà vì họ hiểu: mỗi người cần đi con đường của chính mình. Không ai giác ngộ thay ai được. Và không ai nên cản trở ai nhận lấy bài học giác ngộ từ những khổ đau.

3. Phật giác ngộ là nhờ thiền định

phat-thic-ca

Nhiều người nhầm lẫn phật giác ngộ nhờ 49 ngày thiền định liên tục dưới cội cây bồ đề. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại, Phật giác ngộ là nhờ từ bỏ thiền định, từ bỏ khổ hạnh, buông bỏ luôn cả mong cầu giác ngộ. Đêm Phật buông bỏ mong cầu giác ngộ cũng là đêm tối linh hồn hay thức tỉnh tâm linh của ông. Nó giống với đêm tối linh hồn của nhiều người thức tỉnh tâm linh ở thời điểm hiện tại.

Để giúp nhiều người hiểu hơn về quá trình này, tôi sẽ dựa vào trải nghiệm của tôi để thử hình dung lại những gì diễn ra trong đêm giác ngộ của Phật Thích Ca. Sáu năm ròng khổ hạnh, thiền định, nhịn ăn đến da bọc xương, ông hy vọng sẽ đạt đến chân lý tối hậu, nhưng kết quả chỉ là thân thể héo mòn và tâm trí rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Trước mắt ông giờ đây chỉ còn hai con đường: hoặc tiếp tục – và có thể chết trong tuyệt vọng, hoặc buông bỏ – và mất luôn hy vọng chứng ngộ. Cả hai đều khiến ông đau khổ tột cùng.

Ông nghĩ đến công sức nhiều năm mình tu hành khổ hạnh. Ông đau khổ khi con đường mình theo đuổi bấy lâu không mang lại kết quả. Nhưng ông cũng không đành lòng buông bỏ khi nghĩ đến công sức tu hành nhiều năm ròng rã. Nhưng nếu ông không buông bỏ thì giác ngộ chưa thấy đâu mà việc phải đối diện trước mắt là cái chết cận kề. Ông nghĩ về lý tưởng khi theo đuổi con đường tu hành khổ hạnh lúc ban đầu. Ông nghĩ về những giây phút hạnh phúc của mình trước kia, khi còn là một đứa trẻ, khi ở cạnh những người thân yêu, khi không phải lo toan tranh đấu. Chẳng phải mục tiêu ban đầu của mình là đạt hạnh phúc vĩnh viễn hay sao? Nhưng hiện tại, tại sao lại ngày càng khổ đau nhiều hơn. Ông đau khổ, dằn vặt dữ dội giữa việc từ bỏ hay tiếp tục. Giây phút ông đau khổ tột cùng khi lựa chọn đầu hàng, từ bỏ việc tiếp tục tu hành là lúc ông giác ngộ.

Những ai trải qua đêm thức tỉnh tâm linh đều phải trải qua quá trình dằn vặt đau khổ giữa hai lựa chọn như vậy đấy. Lúc trước tôi cũng lựa chọn giữa việc ở lại tiếp tục với người yêu ái kỷ hoặc buông bỏ để bảo vệ bản thân. Giây phút đau khổ tột cùng khi tôi chọn buông bỏ là lúc tôi thức tỉnh, một niềm hạnh phúc lan tỏa khắp não bộ, mọi gánh nặng như được tháo bỏ ngay lập tức, nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời lập tức thông suốt.

Đức Phật không giác ngộ nhờ thiền định. Ngài cũng không giác ngộ vì đã chịu đựng khổ hạnh đến tận cùng. Ngài giác ngộ khi từ bỏ thiền, từ bỏ khổ hạnh và cả ý niệm “phải giác ngộ”. Ngài nhận ra rằng chính cái mong cầu phải tu hành tinh tấn, phải giác ngộ chân lý tối thượng mới mang đến khổ đau. Hành động đó giống như ngày nay nhiều người nỗ lực, tranh đấu để đạt được các mục tiêu về vật chất và quyền lực.

Từ “Phật” bắt nguồn từ chữ Phạn “Buddha”, có nghĩa là người đã tỉnh thức, đã giác ngộ. Đây không phải là tên riêng của một vị thần linh, mà là một danh hiệu dành cho bất kỳ ai đạt đến sự hiểu biết trọn vẹn về chân lý cuộc đời và thoát khỏi vô minh. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người hiểu sai, cho rằng Phật là đấng thần thánh có thể ban phước hay giáng họa. Thực ra, Phật không phán xét, không trừng phạt, cũng không thưởng công – mà chỉ là biểu tượng cho trí tuệ và từ bi đã được đánh thức trong mỗi con người. Ngay cả thời nay, vẫn có những người đã là Phật, hay nói cách khác là đã là người tỉnh thức, không phải vì họ có phép lạ, mà vì họ đang sống tỉnh thức, hiểu mình, hiểu đời, và không còn chạy theo ảo tưởng.

Sự giác ngộ của Phật được gợi mở khi ngài nghe câu chuyện của hai người lạ mặt về dây đàn: Dây đàn căng quá cũng không được, chùng quá cũng không được. Muốn chiếc đàn có âm thanh hay, thì dây đàn chỉ nên được căng ở một mức vừa phải. Chúng ta cũng vậy, những người trước đây chưa từng nỗ lực làm việc thì hãy nỗ lực phát triển bản thân; và ngược lại, người đã quá nỗ lực, đã thành công trong mắt xã hội đơn giản chỉ cần rèn luyện lại sự lười biếng để cân bằng lại. Đừng buông thả quá, nhưng cũng đừng nỗ lực thái quá. Giác ngộ chỉ là một thời khắc chín muồi của một lối sống cân bằng giữa các nhu cầu như tôi đã đề cập rất nhiều lần trong kênh Tôi Tỉnh Thức.

Tôi không phủ nhận những lợi ích của thiền định mang đến cho con người, nó giúp làm tĩnh lặng lại tâm trí của nhiều người, vốn đã quen với việc muốn kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống. Nó giúp ích cho con đường giác ngộ nhưng nếu chấp vào nó thì lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn của bản ngã. Tuy nhiên, thiền định dù có xoa dịu nội tâm ta êm ái đến đâu, thì khi đối diện với thực tại cuộc sống, đau khổ vẫn còn đó chứ không mất đi. Mọi khổ đau của con người đều bắt nguồn từ việc sống mất cân bằng giữa 6 nhu cầu. Để giác ngộ hay đơn giản chỉ để sống hạnh phúc, bình an giữa dòng đời, hãy chủ động cân bằng cuộc sống của bạn trước khi khổ đau kéo đến.

Xin chào, tôi là Siêu. Bài viết này dựa trên quan điểm của cá nhân tôi và luôn có sự thay đổi, cập nhật theo thời gian. Mong bạn tham khảo có chọn lọc và kiểm chứng lại.

You may like

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *