Phước đức là gì? – Tại sao sửa mình, không sửa người?
Updated: 17/07/2024 - By: Siêu - Categories: Nghiệp quả, Thức tỉnh
Chắc bạn đã từng nghe câu tu hành là sửa mình không sửa người rồi phải không? Câu này có ý nghĩa rất lớn đối với những người hiểu cách thức mà nghiệp quả vũ trụ vận hành. Suy nghĩ hàng ngày của bạn tạo nên tâm của bạn, nó quyết định thói quen suy nghĩ và hành động trong tương lai của bạn. Trong bài này tôi sẽ giải thích vấn đề này và đưa ra những ví dụ thực tế để bạn biết cách áp dụng nó vào trong cuộc sống, tránh tự tạo nghiệp xấu cho chính mình.
Nghiệp và cách chuyển hóa nghiệp
Chỉ cần một suy nghĩ xấu về người khác lóe lên trong đầu bạn là bạn đã tạo nghiệp rồi. Hay chỉ cần thấy người ta vấp té mà cười thầm trong lòng, chưa cần cười ra tiếng cũng là nghiệp. Bạn nghĩ người khác không biết nhưng tiềm thức của họ biết rất rõ. Điều này đã được chứng minh bởi luật hấp dẫn hay hiện tượng nhận dạng phóng chiếu trong tâm lý học.
Tất cả mọi suy nghĩ và hành động của bạn, ngoài tác động hướng ra ngoài, còn được lưu giữ lại trong tiềm thức của bạn. Tiềm thức là thành phần cấu tạo nên tâm (hay linh hồn) của bạn. Nó được mã hóa bởi một dạng vật chất vi tế của vũ trụ nên con người chưa thể giải mã được. Hiện tại, tôi chỉ biết nó có nguồn gốc từ năng lượng ánh sáng vì nếu con người không được cung cấp đủ nguồn năng lượng này sẽ gặp phải những vấn đề về sức khỏe và tâm thần.
Tiềm thức như một cuốn phim lưu lại tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Trong quá khứ nếu ta thường xuyên suy nghĩ và làm việc gì thì trong tương lai khả năng ta lập lại những điều đó rất cao. Nó là ý nghĩa của câu “gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen”. Do đó, ngay từ bây giờ bạn hãy tập suy nghĩ và hành động theo chiều hướng khác đúng đắn hơn thì khi tích đủ lượng thì tâm bạn sẽ tự nhiên thay đổi. Đến một lúc nào đó, những suy nghĩ và hành động đúng đắn sẽ trở thành bản chất của bạn. Tức là nghiệp của bạn đã được chuyển hóa theo chiều hướng tốt rồi đó.
Nghiệp, tiềm thức, a-lại-da thức, linh hồn, nhân điện, cơ thể năng lượng, thể vía, tâm, bản ngã đều là một. Chúng quyết định suy nghĩ, hành động và những gì con người phải đối mặt trong tương lai. Những người giác ngộ theo những con đường khác nhau có cách diễn giải nghiệp theo những cách thức khác nhau. Người đời sau không biết điều đó mới phân tôn giáo, phe phái, chia rẻ, phân biệt. Thực chất, chúng đều là một dạng thông tin mã hóa được tạo thành bởi những hạt vi tế của vũ trụ.
Phước đức là gì?
Nghiệp bao gồm nghiệp tốt và nghiệp xấu. Nghiệp tốt còn được gọi là phước đức. Mà nghiệp chính là thói quen suy nghĩ. Do đó, phước đức chính là thói quen suy nghĩ tốt và nó mang lại nghiệp quả tốt. Tiêu chuẩn đúng sai tốt xấu do vũ trụ đặt ra và những người giác ngộ là những người hiểu rõ nó nhất. Tu hành là học lại cách nhìn nhận cuộc sống từ những người giác ngộ để áp dụng vào giải quyết những khổ đau trong cuộc sống.
Ví dụ, người có phước đức lớn khi gặp người xa lạ gặp khó khăn tự động phát sinh lòng trắc ẩn muốn giúp đỡ. Lòng trắc ẩn như là bản chất của họ mà không cần phải cố gắng tưởng tượng ra những cảnh bi thương để khơi dậy nó. Đó là do nhiều đời nhiều kiếp họ lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm hạnh phúc của mình. Họ cho đi mà không mong cầu nhận lại bất kỳ điều gì cả. Cái nào cho được họ đều cho chứ không nghĩ đến việc buôn bán. Và vì thói quen cho đi như vậy nên họ thường không giàu có. Tuy nhiên, tâm trí họ luôn thông thoáng, nhìn thấu sự đời, đủ ăn đủ mặc, hạnh phúc an lạc, sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi.
Ngược lại, người phước đức ít khi bố thí sẽ cần quay phim chụp ảnh lại để đăng lên mạng để được mọi người tán dương công đức. Họ xem làm việc thiện là công cụ để đạt được công đức chứ không hiểu cái cảm giác hạnh phúc khi giúp đỡ người khác. Đó là do nhiều đời nhiều kiếp họ làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích cá nhân, cái gì bán được là họ bán chứ không cho không ai cái gì cả. Phải cố gắng lắm họ mới khơi lên được một chút lòng trắc ẩn với người thân trong nhà, chứ nói gì đến những người xa lạ.
Chính cái suy nghĩ của bạn khi làm việc tốt mới tạo nên phước đức của bạn chứ không phải kết quả của điều bạn làm. Đối với những người nhận điều tốt đẹp từ bạn thì họ nhận với suy nghĩ như thế nào lại là nghiệp của họ. Nếu họ biết ơn bạn thì họ gieo một nghiệp tốt vào trong tâm thức. Ngược lại, nếu họ cho rằng bạn rãnh rỗi sinh nông nổi thì họ tự tạo nghiệp vô ơn cho mình.
Bạn làm việc tốt vì lòng trắc ẩn thì suy nghĩ và hành động của bạn được lưu vào tâm tuệ (luân xa 7), tức một nghiệp quả tốt được hình thành. Luân xa 7 mang lại cho con người sức khỏe, hạnh phúc, may mắn và một loại trí tuệ giúp vượt qua khổ đau. Nó tạo ra một tấm khiên vô hình bảo vệ con người khỏi các mối nguy hiểm xung quanh.
Ngược lại, bạn làm việc tốt để đưa lên mạng xã hội để được người khác ca ngợi thì tâm sân (luân xa 3) của bạn sẽ phát triển chứ không có phước đức gì cả. Tâm sân kết hợp với một ít trí thông minh từ tâm chân (luân xa 6) sẽ mang lại sự giàu có cho người sở hữu nó. Tuy nhiên, nếu thiếu tâm tuệ thì sự giàu có đó không bền vững và phải đánh đổi bằng những thứ quý giá khác (sức khỏe, hạnh phúc, trí tuệ…). Do đó, không thể đánh đồng phúc đức của một người với sự giàu có của họ.
Có một trường phái phân biệt ra âm đức và dương đức. Âm đức chỉ những việc thiện làm trong âm thầm và phước báu tích tụ dần. Ngược lại, dương đức chỉ những việc thiện công khai mang lại phước báu nhanh ngay trong đời này. Đây là quan niệm sai lầm vì người ta cho rằng nhiều tiền bạc là phước báu. Nói như vậy thì giàu có nhờ lừa đảo cũng là phước báu. Những người làm việc thiện để đánh bóng tên tuổi về bản chất cũng là đang tự lừa mình dối người để có được thứ họ muốn, cũng chỉ là một hình thức lừa đảo tinh vi hơn mà thôi. Nó chỉ mang lại cho họ niềm hạnh phúc ngắn ngủi khi đạt được mục đích nhưng tòa án lương tâm vẫn luôn hoạt động ngày đêm trong cơ thể làm sao mà trốn thoát.
Những người mà còn trẻ ăn chơi, tụ tập đua xe, chơi mấy trò mạo hiểm, thích thể hiện, nếu chịu quay đầu làm ăn rất dễ thành công. Đặc điểm của những người này là họ rất quan trọng chuyện thắng thua được mất. Chơi game người ta chơi cho vui còn họ chơi là phải thắng. Tính cách đó do tâm sân tạo ra. Dám nghĩ dám làm thì một là thành công hai là ra đê ở chứ phước đức cái gì. Cứ nhìn thấy người ta giàu rồi cho rằng do phước đức kiếp trước mà không nhìn vào quá trình làm việc của người ta. Mấy người giàu được một thời gian dính nợ ngân hàng ra đê ở cũng đâu ít. Người có địa vị, quyền lực, giàu kết xù phạm tù tội cũng không hiếm. Phước đức kiểu gì kỳ lạ vậy?
Bạn làm việc thiện vì tâm gì thì tâm đó phát triển, dù bạn làm nó trong âm thầm hay công khai. Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp làm việc thiện vì vừa có lòng thương người vừa mong muốn được ca ngợi thì cả tâm tuệ và tâm sân đều phát triển. Tùy vào suy nghĩ của họ như thế nào khi làm việc thiện mà tâm nào phát triển nhiều hơn.
Sửa mình, không sửa người
Người khác làm sai là nghiệp xấu của họ nhưng nếu bạn phán xét, chỉ trích họ thì bạn tự tạo nghiệp cho chính mình. Mọi việc tồn tại trên đời đều có lý do của nó. Ngay cả cái chùa lập ra nhằm mục đích trục lợi sở dĩ tồn tại được là do có rất nhiều người u mê, chỉ muốn giàu có, hạnh phúc nhưng không muốn sửa đổi bản thân. Khi những đối tượng này không còn nữa thì những công ty chùa tự nhiên sẽ bớt dần.
Tại sao có rất nhiều người ngoài kia không bị gạt mà chỉ có những người đó bị gạt. Vì nhận thức của họ chưa tới và cần phải có những cái chùa như vậy tồn tại để thúc đẩy đau khổ đến với họ nhanh hơn. Đấy là nghiệp quả của cái chùa với những người u mê, không phải là của bạn. Nếu bạn chỉ trích họ mà khiến họ tỉnh ngộ thì bạn đang gieo một nghiệp quả tốt cho cả họ và bản thân mình. Nhưng nếu bạn khiến họ chán ghét bạn rồi bạn lại đáp trả lại y hệt thì bạn tự tạo nghiệp xấu cho mình. Thực tế, kết quả như thế nào thì những người trong cuộc cũng đã biết. Hãy nhìn vào thực tế mà hành động để tránh khổ đau vì tùy tiện can thiệp vào nghiệp quả của người khác.
Ngay cả đối với người thân trong nhà, bạn chỉ nên khuyên họ một hai lần nhưng nếu họ tiếp tục u mê thì để họ nhận lấy bài học của họ. Việc nói nhiều chỉ khiến người khác chán ghét bạn mà thôi. Khổ đau mới khiến cho người ta tỉnh ngộ và tránh rơi vào các sai lầm lớn hơn trong tương lai. Đó là sự khác biệt giữa trải nghiệm khổ đau bằng đường đời với tu hành theo kinh sách.
Lúc trước, tôi không hiểu vấn đề này nên rất thích chỉ trích cái sai của người khác. Nhưng từ khi nhận thức được vấn đề tôi không còn muốn can thiệp vào nghiệp quả của bất kỳ ai trên đời. Người khác khổ đau là nghiệp quả của họ, không liên quan gì đến tôi. Công việc của tôi là đưa ra con đường tôi đã đi, người khác có tin và đi theo hay không là việc của họ. Ngay cả người thân của tôi, bệnh tật triền miên, chỉ cho cách trị bệnh không nghe, thích uống thuốc thay cơm thì tôi cũng mặc kệ. Nói nhiều chỉ khiến người khác chán ghét mình mà thôi. Lúc trước, tôi rất buồn khi mất đi người thân nhưng càng ngày tôi càng xem nhẹ chuyện sống chết.
Áp dụng vào thực tế
Dưới đây là một số ví dụ thực tế về cách tôi nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống để không tự tạo ra khổ đau cho tâm trí. Bạn có thể học theo cách suy nghĩ vấn đề của tôi và những người tỉnh thức khác trên mạng xã hội để thay đổi suy nghĩ của mình. Dần dần, tiềm thức của bạn sẽ được lập trình lại và nghiệp quả sẽ dần tốt lên.
1. Khổ đau đỗ thừa cho tu hành
Nhiều người rất thích đỗ thừa hoàn cảnh. Tâm không an tịnh thiền định không được đỗ thừa cho ma quỷ quấy phá. Chép tụng được vài cuốn kinh rồi đỗ thừa đau khổ là do tu hành trỗ nghiệp. Họ đã quên mất do khổ đau họ mới tìm đến tu hành chứ đang yên lành chẳng ai có nhu cầu thức tỉnh tâm linh hay giác ngộ làm gì cả. Khi nào còn đỗ thừa là còn khổ. Tu hành mà thích đỗ thừa hoàn cảnh chứng tỏ không hiểu ý nghĩa của việc tu hành là gì.
Tôi trải qua 6 tháng bệnh tật và xui xẻo cũng vì cái tội đỗ thừa cho tam tai. Khi nhận thức đúng vấn đề thì may mắn trở lại và dần thay đổi nhận thức để tiến đến thức tỉnh tâm linh. Bệnh thì tìm thuốc, đúng thuốc sẽ trị được bệnh, không ai trị được bệnh cho mình thì tự mình nghiên cứu cách trị, nếu đã cố gắng tìm cách nhưng không tìm ra thì học cách chấp nhận.
Sự thật mất lòng, hãy học cách chấp nhận sự thật. Những người nói để làm hài lòng bạn là những người muốn lấy gì đó từ bạn. Tôi không cần gì từ ai cả nên tôi luôn nói sự thật. Tu hành không phải yểu điệu thục nữ, nội tâm yếu ớt mà tự cho là thiện lương. Có thể đạt được nhưng lựa chọn buông bỏ khác với buông bỏ do không có khả năng. Thừa khả năng chống trả nhưng chọn cách tha thứ cho người làm tổn thương mình khác với sự yếu đuối, hèn nhát. Không phải ăn uống hành xác bệnh tật rồi tự cho là đã diệt trừ được dục vọng.
Tu hành là học cách suy nghĩ mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống theo chiều hướng có trí tuệ để không còn thấy khổ đau nữa. Những người đau khổ nhất trên đời là những người thích đỗ thừa cho hoàn cảnh, cho người khác nhưng không bao giờ thấy được cái sai của mình. Bất kỳ vấn đề nào xảy đến với bạn đều xuất phát từ bạn. Nếu bạn không nhận ra vấn đề của mình thì có thể đi hỏi những người đã tỉnh thức giác ngộ đi trước. Và hỏi thì nên dùng thái độ muốn học chứ đừng tỏ thái độ biết rồi thì không ai dám chỉ cho bạn đâu.
2. Bị lừa gạt nên trách ai?
Nếu bị người khác lừa gạt thì nên tự xem xét lại chính mình tại sao đầy rẫy những người ngoài kia không ai bị mà mình lại bị. Việc người khác lừa gạt bạn là nghiệp của họ nhưng việc bạn bị gạt là nghiệp vô minh của bạn. Hãy xem lại cách gây dựng niềm tin của mình để không bị gạt lần sau. Còn đỗ thừa cho người khác là còn bị gạt hoài, bị gạt chừng nào thông minh lên thì thôi.
3. Không lo chuyện bao đồng
Nhiều người cứ thích hóng chuyện người khác, cứ thích mang rác ở bên ngoài để vào trong tâm trí của mình. Chuyện mà người khác làm chuyện tào lao để thu hút sự chú ý là việc của họ. Bạn không quan tâm chia sẻ thì chẳng ai biết đến. Dần dần những người đó diễn trò không ai xem thì tự động bớt diễn lại. Nhiều người bị lợi dụng làm công cụ kiếm tiền cho người khác, xong rồi lại quay lại chửi bới trách móc người khác. Cả đời bị người ta xỏ mũi dắt đi mà vẫn nghĩ mình thông minh.
4. Nam quyền nữ quyền
Con người nếu còn sống phụ thuộc vào nhau thì nên biết ơn và trắc ẩn lẫn nhau, không nên phân biệt nam quyền nữ quyền làm gì. Có ai ép buộc bạn phải lấy vợ lấy chồng sinh con đâu, nếu thích so đo nam nữ này nọ thì sống độc thân thích làm gì thì làm cho sướng cái thân. Còn nếu bị xã hội hay người thân ép buộc thì hãy tự trách chính mình không đủ bản lĩnh để tự quyết định cuộc đời của mình chứ không nên trách người khác. Những người thích so sánh như vậy là những người không hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. Bạn nghe theo họ là đang học cách để bất hạnh giống họ.
Mỗi người tự phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của riêng mình. Nếu còn sống phụ thuộc vào nhau thì hãy tôn trọng, biết ơn và trắc ẩn lẫn nhau. Ngày nay con người đặt ra rất nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ cho việc cha mẹ, con cháu, vợ chồng phải như thế này như thế kia với nhau. Chính vì cái sự quy chụp đó mà nhiều người cho rằng việc người khác đối xử tốt với họ là điều hiển nhiên, là nghĩa vụ phải làm nên phớt lờ sự biết ơn và lòng trắc ẩn đối với nhau. Và khi những người thân làm trái ý họ thì họ sẽ tức giận. Đó là một trong những nguyên nhân khiến con người không hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.
Giả sử tôi cùng ở trên tàu với những người khác mà chiếc tàu bị chìm. Việc người ta ưu tiên cứu những người nữ mà không cứu tôi cũng là lỗi do tôi không đủ bản lĩnh để tự cứu lấy bản thân. Những người nữ phải học cách mạnh mẽ lên, chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao. Có biến cố gì xảy ra ít nhất bạn cũng phải tự cầm cự được một khoảng thời gian ngắn mới mong có người cứu được bạn. Tự bạn không cố gắng thì không ai muốn cứu bạn cả.
Vũ trụ tạo ra người nam người nữ không phải để một người chiều chuộng người còn lại mà là hai người hỗ trợ nhau phát triển thành hai cá thể độc lập, mạnh mẽ, bản lĩnh, tự quyết định cuộc đời của chính mình. Mỗi người là một cá thể độc lập, không ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của ai cả. Ta không có quyền ép buộc người khác phải làm việc này việc kia cho mình. Tự mình yêu lấy chính mình. Ai quý trọng ta thì ta trân trọng họ, ai xem thường ta thì ta cho họ ra khỏi tâm trí của ta. Ý nghĩa của tất cả các mối quan hệ tình cảm đơn giản chỉ vậy thôi.
5. Nhờ đến pháp luật
Vũ trụ có luật vũ trụ, quốc gia có luật pháp của quốc gia, ngay cả bên trong cơ thể con người cũng có hệ miễn dịch để xử lý những tế bào hư hỏng, bệnh tật, ung thư… Vạn bất đắc dĩ nếu không thể dùng lời nói để hóa giải mâu thuẫn thì ta nên nhờ sự can thiệp từ pháp luật. Tuy nhiên, ta không nên để những suy nghĩ thù hận dấy lên trong lòng vì đó là tự tạo nghiệp, tự mình hại mình.
Nếu pháp luật không giải quyết thỏa đáng được việc của bạn thì bạn nên học cách chấp nhận. Vũ trụ sẽ tự vận hành để lấy lại sự cân bằng. Tuy nhiên, bạn nên nhớ một điều rằng quy luật của vũ trụ là sự cân bằng chứ không phải là kẻ mạnh phải có nhiệm vụ cứu giúp kẻ yếu. Kẻ yếu muốn người khác cứu mình thì ít nhất phải có khả năng nói ra tiếng nói của mình. Quá hèn yếu cũng chính là nghiệp.
Để lại một bình luận