Updated: 16/06/2025 - By: - Categories: Tỉnh thức

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao đàn ông thường dễ nghiện thuốc lá, rượu bia hơn phụ nữ? Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ sự khác biệt sinh học: não bộ của nam giới, trong trạng thái bình thường, có xu hướng sản sinh ít và phản ứng yếu hơn với các hormone hạnh phúc như oxytocin và serotonin, so với nữ giới.

Điều này khiến tâm trí họ dễ rơi vào trạng thái trống rỗng, buộc họ phải không ngừng tìm kiếm những nguồn kích thích hạnh phúc từ bên ngoài: theo đuổi mục tiêu, lập kế hoạch, cạnh tranh, so sánh, sống theo chuẩn mực xã hội hay khao khát được công nhận. Nếu không có những mục tiêu để theo đuổi thì bắt buộc họ phải tìm đến những chất gây nghiện để lấp đầy khoảng trống trong tâm trí.

Trong khi đó, phụ nữ lại có cơ chế nội tiết giúp họ duy trì cảm giác hài lòng và hạnh phúc ổn định hơn, chỉ cần những điều đơn giản như được ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi thoải mái. Vì thế, họ ít có nhu cầu tìm đến các chất kích thích hay hành vi gây nghiện. Nếu được chu cấp đầy đủ, nhiều phụ nữ có thể sống yên ổn cả đời trong một không gian quen thuộc, không mưu cầu những chinh phục bên ngoài.

Nhiều người nam, khi bước vào con đường tu hành và thiền định, trải qua cảm giác hạnh phúc nội tâm liền tưởng rằng đó là một trạng thái siêu việt, cao siêu. Nhưng thực ra, đó chỉ là trạng thái tâm lý bình thường mà nhiều người nữ đã cảm nhận mỗi ngày — một sự an yên tự nhiên, không đến từ nỗ lực vĩ đại nào.

Hãy thử quan sát những người phụ nữ giản dị quanh bạn, nhất là những người sống khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ yên, gương mặt đầy đặn, hồng hào. Hỏi họ xem có khao khát “giác ngộ”, “vô ngã”, hay “thoát khổ” gì không? Phần lớn sẽ trả lời không. Vì họ vốn đã sống trong trạng thái đủ đầy, hài lòng – nơi mà khái niệm giác ngộ không còn cần thiết. Khi tâm trí đã an ổn, ai còn mong cầu giải thoát?

tinh-nu

Thật ra, trạng thái hạnh phúc mà nhiều người hành thiền mơ tưởng – như “tan rã bản ngã”, “vô ngã”, hay “giải thoát” – đơn thuần chỉ là trạng thái hạnh phúc mà những người lười biếng tận hưởng hàng ngày. Nhưng vì trí tưởng tượng phong phú, họ khoác lên nó một tấm áo huyền bí, khiến nó trở nên đầy thách thức và cao siêu. Thế nhưng, chính sự lười biếng bị nhiều người xem thường lại chính là cánh cửa dẫn đến buông xả và tự do nội tâm.

Lười biếng không đơn thuần là thái độ sống, mà là một đặc tính có tính di truyền, một khuynh hướng tự nhiên trong một số người. Và nếu không sẵn có hoặc bị đánh mất, thì phải rèn luyện một thời gian dài mới có được — sống chậm lại, ít làm hơn, tận hưởng nhiều hơn, không cố gắng chứng minh điều gì, tập buông bỏ những ham muốn thừa thãi. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng không hề dễ đối với những người vốn đã quen với việc chạy theo vật chất, danh tiếng và quyền lực.

Tôi nhận ra rằng, những người từng chạy theo vật chất, quyền lực hay thành công bên ngoài, khi muốn quay trở về trạng thái cân bằng, thường phải trải qua một giai đoạn nghiện – một thứ gì đó đủ mạnh để giúp họ tạm thời quên đi cảm giác trống rỗng trong tâm trí. Phổ biến nhất là các chất gây nghiện mạnh, vì nếu không có thứ gì để bám víu, họ rất khó chịu đựng nổi trạng thái bất an và dằn vặt nội tâm khi không còn mục tiêu để theo đuổi.

Bản thân tôi từng nghiện đọc truyện trong một thời gian, chỉ để trốn tránh cảm giác thất bại trong công việc. Lúc ấy, tôi chỉ mới vừa bước chân vào con đường danh vọng, vật chất được khoảng vài năm mà đã thấy việc buông bỏ nó khó khăn đến thế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng những người đã chìm sâu trong guồng quay đó sẽ cần đến những “liều thuốc” mạnh hơn, và thời gian để thoát ra sẽ còn gian nan hơn gấp nhiều lần.

Trong hoàn cảnh đó, thiền có thể là một cứu cánh cho những người không muốn rơi vào con đường nghiện ngập. Không chỉ giúp ổn định tâm trí, thiền còn có tác dụng lâu dài trong việc rèn luyện khả năng lười đúng nghĩa – tức là khả năng buông bỏ sự thôi thúc phải làm, phải đạt được, phải hơn người – để dần dần khôi phục lại trạng thái sống chậm, sống sâu, sống cân bằng.

Nhiều người không hiểu được mục đích chính của việc thiền. Họ chê trách việc một ai đó tu hành mà không tinh tấn, ví dụ như: ngủ gật khi thiền, không chịu được khổ hạnh, vi phạm giới luật, hoàn tục. Nhưng tôi cho rằng, những ai nhận ra mình đang tự làm khổ chính mình và lựa chọn đầu hàng trước là những người có bước tiến lớn trên hành trình tỉnh thức. Giống như Phật Thích Ca, khi Ngài nhận ra mình đang tự đi tìm khổ, Ngài đầu hàng, từ bỏ tu hành là lúc Ngài giác ngộ.

Tính cách lười biếng thực chất bắt nguồn từ sự mất cân bằng giữa hai loại nhu cầu: nhu cầu sinh lý cao và nhu cầu cạnh tranh thấp. Người có nhu cầu sinh lý cao thường dễ cảm nhận được niềm vui, sự thoải mái từ những điều giản dị như ăn uống, nghỉ ngơi, hoặc các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Đồng thời, nhu cầu cạnh tranh thấp khiến trải nghiệm đạt được những mục tiêu vật chất, quyền lực không đủ mạnh để họ phải hy sinh những khoái cảm sinh lý. Điều này khiến họ có xu hướng hưởng thụ, an phận, không đặt nặng việc phải vươn lên, thường bị gắn mác là “lười biếng” trong xã hội hiện đại.

Ngược lại, những người có nhu cầu sinh lý thấp lại không dễ cảm thấy hạnh phúc từ những điều đơn giản như ăn uống hay nghỉ ngơi. Vì vậy, họ thường phải tìm kiếm cảm giác thỏa mãn thông qua các nhu cầu khác, đặc biệt là nhu cầu cạnh tranh. Những người này có xu hướng theo đuổi thành tựu, khao khát được công nhận, thích thử thách bản thân hoặc tìm đến các hình thức giải trí có tính kích thích mạnh để tạo cảm giác sống.

Sự khác biệt về quan điểm sống giữa hai giới bắt nguồn từ sự phân hóa tự nhiên: phụ nữ thường có nhu cầu sinh lý cao hơn, trong khi đàn ông lại có nhu cầu cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Điều đó khiến họ theo đuổi những con đường khác nhau trong cuộc sống. Phụ nữ dễ hài lòng với sự đủ đầy về nhu cầu sinh lý của cơ thể, còn đàn ông lại có xu hướng không ngừng hướng ra ngoài, tìm kiếm sự công nhận, vị trí, hoặc khẳng định bản thân.

Chính sự khác biệt trong nhu cầu này dẫn đến việc người nam và người nữ thường có cách hiểu hoàn toàn khác nhau về cùng một vấn đề. Họ bị bản ngã dẫn dắt theo những hướng khác nhau: phụ nữ thường bị chi phối bởi nhu cầu cảm xúc và an toàn, còn đàn ông lại bị cuốn vào sự khẳng định bản thân, thành tích và kiểm soát.

Nếu không nhận ra điều này, mỗi bên sẽ cho rằng cách nhìn của mình là đúng đắn, trong khi thực chất họ chỉ đang phản ánh nhu cầu sâu xa bên trong của chính mình. Hiểu được sự khác biệt này chính là bước đầu tiên để vượt lên trên bản ngã – không phải bằng cách phủ nhận nó, mà là bằng cách nhìn rõ nó và không để nó chi phối nhận thức.

Người mang tính nam thường có khuynh hướng xem sự giác ngộ là một điều gì đó cao xa, khó đạt được, đòi hỏi phải nỗ lực phi thường. Chính vì vậy, họ dễ chọn những con đường tu hành khắc nghiệt, cực đoan với hy vọng có được thành quả nhanh chóng. Khi được khuyên buông bỏ, họ có thể từ bỏ vật chất hoặc thú vui bên ngoài, nhưng lại âm thầm chấp trước vào một hình thức tu hành nào đó, hoặc bám víu vào ý niệm giác ngộ như một mục tiêu tối thượng.

Nhu cầu cạnh tranh cao khiến họ luôn cần có một mục tiêu để chinh phục, một đối tượng để so sánh, tranh đua – nếu không có, họ sẽ tự tưởng tượng ra. Khi được dạy ngồi thiền để tâm trí lặng yên, họ lại cố thiền thật lâu để thấy mình “cao hơn”, “tu tốt hơn” người khác. Khi bố thí, họ hiếm khi làm vì lòng vị tha, mà bởi mong cầu được công nhận hoặc tích lũy công đức để tiến gần hơn đến cái gọi là “giải thoát”.

Ngược lại, người mang tính nữ lại tiếp cận tâm linh theo hướng mềm mại, cảm xúc và thiên về dựa dẫm. Phật hoặc Chúa trong mắt họ, là một nơi nương tựa an toàn – một chốn để cầu xin sự che chở và an ủi. Họ thường chọn những phương pháp tu hành nhẹ nhàng như niệm Phật, cầu xin, trì chú, nghe giảng – với mong ước được sinh về một cõi lành, một nơi sung sướng hơn hiện tại.

Tính nữ cũng khiến họ dễ tin tưởng, dễ trao niềm tin vào những hình thức tâm linh mang tính huyền bí hay ngọt ngào – như làm “con Phật”, “con Chúa”, hay “đứa trẻ tiên” – thay vì tự lực đối diện với thực tại và quyết tâm thay đổi bản thân. Chính vì khuynh hướng nương tựa ấy, họ dễ rơi vào các hình thức mê tín trá hình hoặc phụ thuộc vào những “bậc thầy tâm linh” bên ngoài.

Tất nhiên, đây là những xu hướng chung mang tính giới tính, không phải là sự phán xét hay khẳng định tuyệt đối cho từng cá nhân. Trong mỗi người đều tồn tại cả hai mặt – tính nam và tính nữ – và hành trình tu tập chính là sự hòa hợp, cân bằng hai cực này để vượt ra khỏi sự dẫn dắt của bản ngã và tiến gần hơn đến tỉnh thức thực sự.

Ngày nay, nhiều người tôn thờ kỷ luật, lập kế hoạch, làm việc theo quy trình. Họ bị ám ảnh bởi hình mẫu “người thành công” – một sản phẩm của xã hội tiêu thụ và cạnh tranh. Nhưng nếu muốn tu hành, nếu thật sự muốn giác ngộ, thì cần dẹp bỏ những thứ đó. Đừng ép buộc bản thân thái quá. Hãy để cuộc sống có chỗ cho sự tùy hứng, cho cảm xúc được lên tiếng. Mệt thì nghỉ, buồn ngủ thì ngủ, đau lưng thì nằm thiền xong rồi ngủ luôn thay vì cố gồng gánh trong cái gọi là “tinh tấn”.

Tu hành không giống như làm kinh doanh. Nó không cần bảng kế hoạch, KPI, hay deadline. Tinh tấn, kỷ luật, nỗ lực – tất cả những phẩm chất đó vốn là biến thể của nhu cầu cạnh tranh. Trong đạo Phật, nó được gọi là tâm sân. Nếu không buông bỏ được, bạn chỉ đang chuyển từ việc theo đuổi tiền tài sang theo đuổi giác ngộ. Đó vẫn là vòng luẩn quẩn của bản ngã do tâm sân biến tướng ra.

Cần học cách dừng lại. Không nắm giữ thêm bất kỳ điều gì – kể cả thiền định, trì chú hay bất kỳ hình thức tu hành nào. Việc dừng lại này không phải là buông thả hay lười biếng, mà là để phục hồi lại nhu cầu sinh lý, từ đó tái lập trạng thái cân bằng trong nội tâm.

Muốn khôi phục nhu cầu sinh lý, điều quan trọng nhất là phải ăn uống, ngủ nghỉ trong trạng thái thư giãn tuyệt đối. Đừng để những lo toan, căng thẳng công việc chen vào bữa ăn. Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, làm tê liệt hệ tiêu hóa và ngăn cản việc hấp thụ trọn vẹn niềm vui từ thực phẩm. Trái lại, chỉ khi ở trong trạng thái an tĩnh, cơ thể mới thực sự bước vào chế độ “nghỉ ngơi và tiêu hóa” – nơi nhu cầu sinh lý được nuôi dưỡng và hồi phục một cách tự nhiên.

Khi nào bạn có thể sống giữa một vùng quê hẻo lánh, suốt cả tháng trời chẳng làm gì ngoài ngắm hoa, ngắm cá, uống trà, tận hưởng khoảnh khắc mà không nghĩ đến công việc, mục tiêu hay lý tưởng gì cả – thì đó là dấu hiệu tu hành đã có tiến triển. Lười biếng là một loại năng lực mà nhiều người ngày nay đánh mất trong xã hội cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trước khi cân bằng lại được nhu cầu sinh lý, người nam để tránh bị bản ngã do tâm cạnh tranh dẫn dắt cần phải chủ động tìm kiếm hạnh phúc từ nhiều nguồn khác như vận động, nhận thức, giao tiếp hay vị tha. Nếu thích vận động thì hãy vận động nhiều hơn. Nếu thích đọc sách, nghiên cứu thì hãy đọc sách nhiều hơn; chọn những sách về chữa lành và ý nghĩa của cuộc sống chứ đừng đọc những sách tâm linh.

Người nam làm gì thì làm vẫn phải đảm bảo vận động cơ bắp hàng ngày để tìm kiếm hạnh phúc từ nhu cầu vận động nếu không rất dễ bị nhu cầu cạnh tranh dẫn dắt. Đó là lý do vì sao ngày xưa các hòa thượng hoặc đạo sĩ kết hợp giữa việc tu hành và tập luyện võ thuật, tự trồng trọt, tự cung tự cấp. Ngày nay, sở dĩ người nam có xu hướng tìm đến các chất gây nghiện (rượu, bia, thuốc lá) nhiều hơn vì họ thiếu vận động trong cuộc sống hàng ngày.

Chủ động tìm kiếm nguồn cấp hạnh phúc từ nhiều nhu cầu khác nhau sẽ giúp bạn giảm bớt nhu cầu hạnh phúc từ sự cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp cho bạn hạnh phúc hơn mà còn giúp cho những người thân của bạn giảm bớt áp lực từ những cơn giận vô cớ từ bạn.

Xin chào, tôi là Siêu. Bài viết này dựa trên quan điểm của cá nhân tôi và luôn có sự thay đổi, cập nhật theo thời gian. Mong bạn tham khảo có chọn lọc và kiểm chứng lại.

You may like

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *