Luân xa 5 – Tâm nhẫn – Trí tuệ giao tiếp, âm thanh
Updated: 18/03/2024 - By: Siêu - Categories: Luân xa
Luân xa 5 chính là tâm nhẫn vì nó được rèn luyện qua quá trình nhẫn nhục, khống chế cảm xúc trong lúc giao tiếp. Người có tâm nhẫn lớn có khả năng lắng nghe tốt vì họ nắm bắt được tâm lý của người nói. Với khả năng khống chế cảm xúc tốt, họ bình tĩnh, chậm rãi điều hướng cuộc giao tiếp theo ý muốn của họ. Tất cả những điều này hình thành nên trí tuệ giao tiếp.
- Vai trò của LX5 đối với cơ thể
- Trí tuệ giao tiếp
- Phát triển trí tuệ giao tiếp
- Tâm nhẫn - Tránh vạ miệng
Vai trò của LX5 đối với cơ thể
Luân xa 5 nằm trên đốt sống cổ đầu tiên bên dưới cổ họng. Đối với cơ thể, luân xa 5 điều khiển hệ bạch huyết và các cơ quan ở vị trí cổ họng như: họng, thanh quản, khí quản, tuyến giáp, tuyến cận giáp.
Tuyến giáp và tuyến cận giáp có vai trò quan trọng trong hoạt động của bộ não, hệ thần kinh, tuyến sinh dục, tăng tuần hoàn máu, duy trì nồng độ canxi trong máu ổn định, tăng cường chuyển hóa glucid và lipid để tạo năng lượng.
Hệ bạch huyết là hệ thống các mạch và hạch bạch huyết chạy dài khắp cơ thể. Nó cũng bao gồm lá lách và tuyến ức. Nó là phần quan trọng nhất của hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập từ các tác nhân gây bệnh bên ngoài và tiêu diệt các tế bào lỗi bên trong (tế bào ung thư, tế bào chết…).
Họng, thanh quản, khí quản ảnh hưởng đến chất giọng của bạn. Thông qua việc điều phối các cơ quan ở vùng họng với não bộ, luân xa 5 quyết định âm thanh phát ra hòa điệu nhịp nhàng với những điều bạn muốn truyền tải. Chúng quyết định lời nói của bạn có sức thuyết phục người nghe hay không. Lời nói thuyết phục sẽ khiến người nghe tiết nhiều hormone hạnh phúc hơn.
Luân xa 5 tắt nghẽn sẽ dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu, thiếu sức sống, trí nhớ kém, nói năng đứt quãng, không rành mạch, không thuyết phục.
Trí tuệ giao tiếp
Giao tiếp bằng ngôn ngữ giúp con người lưu giữ và truyền đạt lại những kinh nghiệm sống qua nhiều thế hệ. Nó tồn tại là vì có một loại hạnh phúc khi con người truyền đạt những suy nghĩ, ý tưởng của mình cho người khác hiểu thông qua ngôn ngữ, tồn tại ở dạng lời nói, ký hiệu hoặc chữ viết. Niềm hạnh phúc này cảm nhận rõ nhất khi một người căm có thể nói chuyện lại được.
Ngày nay, trí tuệ giao tiếp rất quan trọng đối với sự phát triển sự nghiệp của con người. Người phát triển trí tuệ giao tiếp thích giảng dạy, thuyết trình, đàm phán, ca hát, viết… Họ thường làm các nghề như: nhà báo, phóng viên, MC, diễn viên, giáo viên, ca sĩ, kinh doanh, chính trị gia, giảng sư, chữa lành…
Một cuộc giao tiếp được cho là thành công khi người nghe nhận được đúng thông điệp người nói muốn truyền tải. Cảm xúc từ người nói và cả phía người nghe là yếu tố quan trọng quyết định một cuộc giao tiếp thành công. Một người lắng nghe tốt nhất khi không để cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của mình vào thông điệp người nói muốn truyền tải.
Trí tuệ giao tiếp giúp con người có một chất giọng hay, cách nói chuyện nhấn nhá lên giọng xuống giọng thuyết phục người nghe. Điều này xảy ra là do âm thanh có thể làm thay đổi cảm xúc của con người vì nó tác động trực tiếp đến bộ phận thần kinh cảm âm. Cùng một thông điệp nhưng khác người truyền tải sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau.
Nếu bạn nghe những lời mắng chửi chói tai của những người khác trong lúc họ tức giận bạn cũng sẽ bị dâng lên cảm xúc tức giận cho dù những lời nói đó không phải dành cho bạn. Đó không phải là cảm xúc thật của bạn, chỉ là âm thanh từ bên ngoài tác động lên bộ não và kích hoạt lên cảm xúc tức giận trong bạn.
Do đó, trong một cuộc giao tiếp giữa hai người, nếu một trong hai tức giận sẽ dễ dàng khiến người còn lại tức giận. Bất kỳ lời đám phán, thương lượng nào được đưa ra trong lúc tức giận đều sẽ được hiểu theo ý nghĩa khiêu chiến vì tức giận làm cho con người mất đi khả năng suy nghĩ thấu đáo.
Âm thanh không những tác động trực tiếp đến não bộ mà nó còn làm kích hoạt các luân xa làm thay đổi tính cách con người nếu nghe trong một thời gian dài. Do đó, âm nhạc có thể thay đổi cả nền văn hóa và chính trị của cả một quốc gia. Lựa chọn nhạc để nghe hàng ngày theo hướng tính cách bạn muốn hướng đến góp phần rất lớn đối với quá trình rèn luyện tâm thức của bạn.
Phát triển trí tuệ giao tiếp
Giảng dạy, thuyết trình, giải thích những kiến thức mình có cho những người muốn học là việc làm tuyệt vời để mở rộng luân xa 5. Giảng dạy còn giúp bạn nhớ lâu những kiến thức mình truyền đạt; nhiều khả năng còn nảy sinh ra nhiều ý tưởng, kiến thức mới để tiếp tục truyền đạt.
Viết cũng là cách luyện tập diễn đạt ý nghĩ của mình sao cho rõ ràng rành mạch nhất. Viết nhật ký là một lựa chọn không tồi. Bạn có thể viết về những bài học đặc sắc, những sự kiện đặc biệt trải qua trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn viết để chia sẻ những trải nghiệm của bạn nhằm giúp đỡ người khác thì bạn vừa rèn luyện được cả luân xa 5 và luân xa 7.
Học cách nhận diện cảm xúc của mình: vui, buồn, yêu, ghét, tức giận… Cố gắng kìm nén cảm xúc trong lúc nói chuyện. Không áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình vào lời nói của người khác. Không áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Nếu khả năng lắng nghe của bạn kém, trước khi làm bất cứ việc gì cho người khác, hãy xác nhận lại điều mà bạn hiểu có đúng là điều mà người đó muốn truyền tải đến bạn hay không.
Tâm nhẫn – Tránh vạ miệng
Luân xa 5 chính là tâm nhẫn vì nó được rèn luyện qua quá trình nhẫn nhục, khống chế cảm xúc trong lúc giao tiếp. Cảm xúc càng mạnh càng làm trở ngại cho quá trình giao tiếp. Những lúc tức giận, sợ hãi hoặc vui mừng quá độ, ta rất muốn nói ra hết những suy nghĩ của mình nhưng như có cái gì đó chặn ở cổ họng khiến ta chỉ muốn hét toán lên hoặc cười không ngừng.
Những lúc bạn tức giận không kìm chế được hãy đừng nói gì cả vì tức giận có thể lây truyền từ người này qua người khác. Do xung quanh cơ thể có nguồn hào quang do các tâm phát ra, đứng cạnh những người đang tức giận bạn cũng sẽ cảm thấy tức giận không rõ lý do. Âm thanh từ những người đang mắng chửi lẫn nhau cũng có thể kích thích não bộ khiến một người ngoài cuộc trở nên cáu gắt, khó chịu.
Họa hầu hết từ miệng mà kéo đến nên nhẫn còn mang ý nghĩa nhẫn nhục, suy nghĩ thật kỹ trước khi nói. Có 3 nguyên tắc cần tuân thủ:
Thứ nhất, không nói dối, không đổ lỗi. Một lời nói dối luôn cần kèm theo rất nhiều lời nói dối khác để che đậy cho sự dối trá. Đã có nghiên cứu cho thấy việc nói dối hoặc đỗ lỗi cho người khác thường xuyên làm tổn thương vùng hạch hạnh nhân trong não bộ, khiến cảm xúc bị rối loạn và tổn hại đến sức khỏe cơ thể.
Thứ hai, không phán xét khi không ở trong hoàn cảnh của người khác. Tùy vào giai đoạn phát triển khác nhau của từng người mà mỗi người có tính cách và hành động khác nhau, không ai giống ai. Những việc làm của một người nào đó hiện tại bạn cho là ngu ngốc có thể là việc bạn đã từng làm trong những kiếp sống trước khi tâm bạn chưa phát triển. Bạn chửi mắng họ giống như việc người lớn mà đi chửi mắng một đứa con nít khi nó làm sai vậy. Việc phán xét, buộc tội người khác khi bạn chưa phát triển trí tuệ đa phần là sai và nhận quả xấu vào bản thân mình.
Thứ ba, không đưa ra lời khuyên cho người khác khi không chắc rằng họ có hiểu được lòng tốt của bạn hay không. Con người thường phải trải qua đau khổ hoặc rơi vào đường cùng họ mới chịu thay đổi. Những người làm việc tốt nhưng nhận lấy khổ đau là do cản trở quá trình người khác nhận ra bài học của họ. Làm việc thiện không có trí tuệ vừa dẫn đến đau khổ cho chính bản thân vừa làm chậm quá trình tiến hóa của người khác. Bạn chỉ nên đưa ra lời khuyên cho một người khi người đó thực sự cần sự giúp đỡ từ bạn.
Để lại một bình luận