Luân xa 4 – Tâm thiện – Trí tuệ tha thứ, buông xả
Updated: 16/03/2024 - By: Siêu - Categories: Luân xa
Luân xa 4 (tâm thiện) làm cho con người cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi buông xả các chấp niệm và tha thứ cho người khác. Thiện theo khái niệm của tôi chỉ là khả năng tha thứ, buông xả. Những khả năng tưởng chừng đơn giản này thực chất rất quan trọng mà ngày nay nhiều người đang thiếu. Nó giúp ngăn chặn các cơn tức giận dẫn dắt con người làm những chuyện hủy hoại người khác.
- Vai trò của LX4 đối với cơ thể
- Trí tuệ tha thứ, buông xả
- Dễ dàng giác ngộ hơn
- Phát triển trí tuệ tha thứ
- Mặc trái của tâm thiện
- Dùng sân cân bằng thiện
Vai trò của LX4 đối với cơ thể
Luân xa 4 nằm ở phần hõm vào ở giữa ngực. Đại diện cho yếu tố gió, nó có tác dụng hạ nhiệt độ cơ thể thông qua da, lông, tóc và mồ hôi. Khi cân bằng với yếu tố lửa (luân xa 3), nó giúp duy trì nhiệt độ cơ thể ở ngưỡng bình thường (37-37.8°C).
Đối với cơ thể vật lý, luân xa 4 điều khiển trái tim, phổi, và tuyến ức. Tim và phổi là các cơ quan điều phối năng lượng, chất dinh dưỡng, và khí O2 đi khắp cơ thể. Tuyến ức đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch đặc hiệu. LX4 bị rối loạn có thể gây ra một số bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim… và các bệnh ở phổi như hen suyễn, lao…
LX4 liên quan đến hệ thần kinh đối giao cảm, giúp cơ thể duy trì ở trạng thái nghỉ ngơi và tiêu hóa thức ăn. Do cơ chế đối lập, LX4 có vai trò quan trọng trong việc hóa giải cơn tức giận từ LX3 (tâm sân). Từ đó, nó giúp con người thoát khỏi các bệnh tật do tức giận thường xuyên gây ra.
Tức giận thường xuyên là nguyên nhân chính gây tắt nghẽn cả LX3 và LX4. Dấu hiệu nhận biết khi một trong hai luân xa này tắt nghẽn là nhịp tim đập nhanh bất thường. Bạn có thể sử dụng phương pháp thiền nằm nhịp tim để luân xa tắt nghẽn tự chữa lành hoặc nghe âm thanh các loài động vật chữa lành.
Trí tuệ tha thứ, buông xả
Sở dĩ ngày nay có nhiều vụ án thương tâm chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ là vì nhiều người mất đi khả năng tự hóa giải cơn giận do thiếu trí tuệ tha thứ. Người có trí tuệ tha thứ dễ dàng tha thứ cho người tổn thương họ vì họ biết rõ hận thù chỉ mang đến phiền toái, đau khổ và bệnh tật. Chỉ khi tha thứ và buông xả con người mới có thể dễ dàng hồi phục và tự chữa lành sau tổn thương. Tha thứ cho người khác là tha thứ cho chính bản thân của mình.
Buông xả giúp con người quên đi những chấp niệm về những cơ hội đã bỏ lỡ và thất bại trong quá khứ. Nó giúp bạn dừng lại đúng lúc khi liên tiếp gặp thất bại trong sự nghiệp. Nếu để tâm sân dẫn dắt nó sẽ khiến bạn làm liều nhằm lấy lại những gì đã mất. Tâm thiện là cái thắng ngăn cản tâm sân dẫn dắt bạn đi xuống vực sâu. Thất bại nhiều khi là điều tốt để con người có thời gian dừng lại nghỉ ngơi và tìm lại mục đích sống của mình, sống trên đời là để hạnh phúc không phải để cố bằng mọi cách để tranh giành tiền bạc, vật chất, danh vọng và địa vị.
Tiền bạc là cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc nhưng nếu bất chấp tất cả để chạy theo nó bạn sẽ đánh mất luôn niềm hạnh phúc trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người rất giàu có nhưng vẫn muốn tìm đến cái chết là vì điều này. Họ cực lực tranh giành thật nhiều để hưởng thụ nhưng đánh mất khả năng hưởng thụ trong quá trình này, do sân diệt si.
Dễ dàng giác ngộ hơn
Khác với người tâm sân lớn cho rằng mọi thứ họ có là do họ dùng tài năng để đạt được, người tâm thiện lớn lại có xu hướng cho rằng chỉ là may mắn, chó ngáp phải ruồi, được trời đất ưu ái. Do đó, họ không chấp vào những gì mình có. Đôi khi họ có rất nhiều thứ mà nhiều người khao khát nhưng bản thân họ lại nghĩ họ chẳng có gì cả. Họ chỉ cảm thấy an toàn khi đứng sau “cánh gà” để hỗ trợ cho người khác vì họ không tự tin với bản thân (lòng tự trọng thấp). Với tính cách này, họ khó mà thành công lớn lao trong công danh sự nghiệp. Tuy nhiên, điều này lại là một thuận lợi cực kỳ lớn cho việc giác ngộ.
Thực tế, những người không hề biết gì về tâm linh, thiền định lại thức tỉnh một cách rất dễ dàng. Ngược lại, người biết quá nhiều nhưng không phân biệt được đúng sai lại là trở ngại cho quá trình buông xả để đi đến thức tỉnh của họ. Đặc biệt khi những kiến thức tâm linh phổ biến ngày nay được truyền bá bởi những người dựa vào tâm linh để trục lợi và những người ngộ nhận phật Thích Ca giác ngộ nhờ thiền định. Nếu bạn muốn tu theo con đường của phật Thích Ca thì bạn hãy theo học sư ông Viên Minh là chuẩn nhất. Sư Viên Minh đã thấy ra được phật giác ngộ bằng đường đời chứ không phải nhờ thiền định.
Để giác ngộ và tỉnh thức được, bạn cần phải buông bỏ hết tất cả các chấp niệm trong tâm trí và tha thứ cho tất cả những người đã từng làm tổn thương bạn. Đối với người tu hành, tha thứ và buông xả rất quan trọng, không kém sự biết ơn và lòng trắc ẩn. Biết ơn và trắc ẩn giúp bạn nhìn nhận những vấn đề trong cuộc sống với góc nhìn rộng hơn, vượt ra ngoài thành kiến của bản thân. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng để tha thứ và buông xả hơn.
Phát triển trí tuệ tha thứ
Tâm thiện được phát triển bởi tâm si và chúng đi đôi với nhau ở những người tính nữ. Người tâm si lớn thích ăn uống hưởng thụ hơn làm việc, họ thoải mái nhất khi trong tình trạng nghỉ ngơi. Nó hình thành trong tiềm thức của họ tức giận là một điều gì đó rất không thoải mái. Dần dần họ hình thành rất nhiều lý do để tha thứ trong tiềm thức tạo nên trí tuệ tha thứ.
Nếu bạn cảm thấy rất khó khống chế cơn tức giận của mình thì có thể bạn thiếu trí tuệ tha thứ. Do si sinh thiện nên việc đầu tiên bạn cần phải làm là phát triển tâm si của mình lên. Tâm si phát triển qua quá trình nghỉ ngơi, hưởng thụ. Bạn cần học cách sống chậm lại, giảm bớt khối lượng công việc, nghỉ ngơi và ăn uống đúng giờ. Ăn uống chậm rãi, tận hưởng vị ngon của thức ăn, hạn chế tức giận, không ăn trong lúc tức giận. Bồi dưỡng các mối quan hệ tình cảm với người thân trong gia đình. Học cách đồng cảm với người khác, không suy bụng ta ra bụng người.
Sau khi phát triển tâm si, tiếp tục rèn luyện tâm thiện bằng cách tha thứ, buông bỏ bớt dần hận thù, quyền lực, danh vọng, sự kiểm soát… Ở gần những người vô ưu, vô lo, sống tới đâu hay tới đó sẽ giúp bạn dễ dàng phát triển tâm thiện hơn. Ngoài ra, cân bằng âm dương bằng cuộc sống vợ chồng giúp cân bằng các luân xa dễ dàng hơn.
Mặc trái của tâm thiện
Mặc trái của tâm thiện lớn là nó làm cho con người dễ từ bỏ trước khó khăn, thiếu kỷ luật, dễ dàng thỏa hiệp, ba phải, thiếu quyết đoán. Khi họ quyết định làm một việc gì đó chỉ cần có lời bàn ra tán vào là họ sẽ giao động ngay. Người quá thiện dễ bị chiếm tiện nghi, lợi dụng, bóc lột bởi những người xung quanh. Đặc biệt là khi họ để lộ tính dễ thỏa hiệp cho những đối tượng xung quanh biết.
Nhóm người quá dễ thỏa hiệp thường được xã hội đánh giá là hiền lành, thiện lương nhưng thực chất nó không xuất phát từ lòng trắc ẩn. Khác với nhóm người quá sân gây hại trực tiếp cho người khác, người quá thiện lại dung dưỡng, thỏa hiệp với cái sai của người khác. Do đó, họ làm ác theo một cách gián tiếp nên thường dẫn đến khổ đau. Dưới đây là một số ví dụ cho điều tôi nói.
1. Họ vì bản thân hay vì người khác?
Cái thiện của người tính nữ một phần xuất phát từ tâm si, rất dễ đánh đồng với lòng từ bi. Tâm si ngăn cản con người gây đau đớn cho nhau hay cho các loài động vật khác vì nó tạo nên cảm xúc và sự đồng cảm. Sự đồng cảm khiến con người cảm nhận nỗi đau xác thịt của các động vật khác như của chính mình.
Ví dụ như khi xếp hàng để chờ tiêm phòng vắc xin, có những người không dám nhìn kim tiêm đâm vào da thịt của người khác. Đó chính là sự đồng cảm do tâm si tạo nên. Nó không phải là lòng trắc ẩn vì chẳng ai dâng lên lòng từ bi đối với người được tiêm vắc xin cả.
Sự đồng cảm cũng ngăn cản những người tính nữ né tránh việc trực tiếp ra tay kết liễu gà vịt khi có đám tiệc nhưng họ vẫn thích ăn thịt chúng. Người tính nữ cứ nghĩ như vậy là thiện lương nhưng thực chất họ chỉ vì cảm xúc của chính bản thân họ. Bằng chứng rõ ràng là họ vẫn thích ăn thịt động vật, thậm chí còn ăn nhiệt tình hơn cả người tính nam.
Tình yêu của người si thiện là tình yêu có điều kiện, xuất phát từ sự luyến ái từ tâm si. Họ yêu cầu đối tác phải liên tục phục vụ những nhu cầu cảm xúc như: hẹn hò, phải gặp mặt nhắn tin thường xuyên, chiếm hữu, ôm ấp, hôn hít, quan hệ, vân vân. Nếu những nhu cầu cảm xúc không được đáp ứng nó sẽ gây ra đau khổ cho họ. Họ chỉ vì nhu cầu cảm xúc của chính họ. Đó là yêu chính bản thân chứ không phải yêu người khác.
Tóm lại, muốn biết một người có lòng trắc ẩn thật sự hay không hãy đưa họ vào hoàn cảnh khó khăn. Nếu trong điều kiện khó khăn, họ chịu hy sinh lợi ích của mình vì người khác thì đó mới là lòng từ bi (trắc ẩn) thực sự.
2. Thỏa hiệp với cái xấu
Người si thiện rất cưng chiều con của mình, họ cung phụng vật chất, không cho con mình làm việc tay chân làm cho chúng phụ thuộc vào họ và không có khả năng sống độc lập. Điều kiện kinh tế càng thuận lợi thì họ sẵn sàng chu cấp cho con cái đến già. Tuy nhiên, đặc điểm người si thiện thích hưởng thụ hơn làm việc nên nhanh chóng tiêu hao hết tài sản tích trữ. Khi điều kiện kinh tế khó khăn, họ sẽ đùn đẩy trách nhiệm kinh tế gia đình cho nhau rồi quay ra trách móc con họ không làm được việc gì. Họ nuôi dưỡng con họ thành những con gà công nghiệp, sau đó thả chúng vô rừng, cho chúng tự đấu tranh sinh tồn với những loài thú dữ khác.
Sự cưng chiều con của người tính nữ xuất phát từ cảm xúc của chính họ. Họ thích ôm ấp, hôn hít, cưng chiều những đứa bé và những con động vật lúc còn bé vì trông chúng đáng yêu. Họ chỉ vì thỏa mãn cảm xúc của chính họ. Họ ước là những con động vật đó mãi mãi không lớn lên. Nhiều người nhầm lẫn đó là sự thiện lương, là yêu thương.
Nếu người mẹ si thiện có trách nhiệm nuôi dạy con thì họ sẽ dễ dàng thỏa hiệp với những tính cách xấu của con mình. Nếu con của họ mang tính cách si thiện giống họ thì chúng chỉ ăn uống, hưởng thụ, và lười lao động. Nếu đứa con mang tâm tham sân sẽ có tính cách ngang ngược, hống hách, thích chọc phá người khác. Những đứa con phá gia chi tử, phá hoại xã hội cũng do bàn tay những người mẹ như vậy tạo nên.
Trong gia đình có nhiều người con, người mẹ mang tâm si thiện lớn thường có xu hướng lấy của người con này cho người con khác. Họ cho rằng như vậy là thiện lương mà không biết rằng họ đang làm ác đối với một người con để nuôi dưỡng thói lười biếng của người còn lại. Đó chỉ là mượn hoa cúng phật, nó không xuất phát từ lòng trắc ẩn. Khi điều kiện kinh tế khó khăn thì người mẹ đấy cũng sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho đứa con lười biếng mà thôi.
3. Phát tán những niềm tin sai lầm
Người si thiện gây dựng niềm tin dựa trên cảm xúc. Họ tin vào những điều nhiều người tin mà không cần kiểm chứng lại. Ai nổi tiếng, đẹp, giàu có nhiều người theo thì nói gì họ cũng tin. Hay đơn giản chỉ cần dựng một vỡ kịch rồi thuê một nhóm người nghe theo thì người si thiện tự động nghe theo. Họ rất dễ bị người khác dùng cảm xúc để dẫn dắt. Nói tóm tắt dễ hiểu là bị bán còn giúp người ta đếm tiền.
Người si thiện luôn cho rằng những ai khác họ đều khổ đau và chuyên đi “làm việc thiện” dựa trên niềm tin sai lầm dựa trên cảm xúc của họ. Ai độc thân hay không có con cái họ cũng cho là khổ rồi gieo rắc niềm tin của họ vào trong đầu người ta. Ai ăn chay thì nhóm người này lại cho rằng khổ, lại tiếp tục thuyết pháp đến khi nào người ta chuyển sang ăn mặn lại mới thôi. Mặc dù biết rằng đồ ăn hóa chất độc hại họ vẫn tiếp tục ăn vì cho rằng chúng ngon và viện lý do người khác cũng ăn có ai chết đâu. Bằng cách đó họ tiếp tay cho cái ác có cơ hội phát triển thêm.
Khi thấy hoàn cảnh khó khăn hơn mình thì cảm xúc của họ đều dâng trào, tỏ vẻ thương xót làm cho những người đó tin rằng như vậy là khổ. Thực ra, sướng khổ chỉ là khái niệm tương đối do tâm si vẽ ra trong tiềm thức của bạn. Ngày xưa, người ta có thể hạnh phúc khi ăn cơm với đường với chuối nhưng ngày nay đôi khi thịt cá, rau củ quả đủ đầy mà không thấy hạnh phúc.
4. Báo hiếu thành bất hiếu
Người si thiện nếu điều kiện kinh tế khá giả lại quay lại báo hiếu cha mẹ bằng cách cung phụng vật chất, không cho cha mẹ họ động tay động chân động não. Mà tạo hóa thiết kế con người theo kiểu cái gì không dùng thì cho thoái hóa sớm. Không hoạt động cơ bắp sẽ mau già sớm, có não mà không dùng đến để học tập làm việc sẽ mau thoái hóa, ăn cho sướng cái tâm si thì mau bệnh tật. Điều này làm cho báo hiếu thành bất hiếu.
Những người già chết trong bệnh tật đầu óc không tỉnh táo sẽ mang tâm sân rất lớn do sự sợ hãi dân lên tột độ. Tâm lúc chết quyết định luân hồi chuyển kiếp, người sân sẽ gặp cha mẹ sân, tâm sân làm đứa trẻ quấy phá ngay từ trong bụng mẹ sẽ khiến cho bị chán ghét ngay từ lúc mới sinh, làm cuộc sống về sau càng thêm khó khăn. Thay vì khóc lóc gieo rắc thêm sự sợ hãi cho người sắp chết hãy động viên họ đây chỉ là quá trình thay thế một cơ thể mới để tiếp tục sống.
Sau khi người thân chết, người si thiện lại tiếp tục tàn phá môi trường để cung phụng cho cái xác chết. Họ dùng hòm gỗ tốt, đốt giấy tiền vàng mã, đốt quần áo nhà cửa xe cộ giấy cho cái xác chết. Rồi họ và cả những người thân của họ (chuyển sinh lại trên trái đất) hít thở chung một bầu khí quyển đầy độc chất do họ góp phần tạo ra.
Dùng sân cân bằng thiện
Khi bạn chưa hiểu rõ cách nghiệp quả vận hành, nhiều điều bạn cho là thiện nhưng thực chất là tạo nghiệp xấu nên mới mang lại khổ đau cho bạn. Nếu bạn cảm thấy mình thiện quá mà chịu nhiều khổ đau trong cuộc sống thì hãy phát triển tâm sân lên để cân bằng lại. Quy luật của vũ trụ là sự cân bằng, bất cứ cái gì quá cũng không tốt.
Tâm sân phát triển qua quá trình đặt mục tiêu và kỷ luật với bản thân để hoàn thành mục tiêu. Chơi các môn thể thao mạo hiểm cũng giúp phát triển tâm sân. Khi bạn chinh phục được nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống thì tâm sân của bạn lúc đó sẽ lớn dần. Bạn sẽ không còn dễ thỏa hiệp với người khác nữa.
Nói thì rất đơn giản nhưng thực hiện rất khó. Nó giống như người lười do thiếu năng lượng mà kêu họ siêng năng lên đi sẽ hết lười vậy. Mặc dù siêng năng tập luyện thể thao dần sẽ giúp người đó có nhiều năng lượng và bớt lười nhưng đó là một quá trình dài rèn luyện.
Mượn nguồn hào quang của người khác sẽ giúp bạn rèn luyện tâm thức dễ dàng hơn. Ở gần những người mang tâm sân lớn để phát triển tâm sân của bạn lên. Người tâm sân lớn là những người lãnh đạo trong các lĩnh vực. Người tính nam mang tâm sân lớn hơn người tính nữ. Cân bằng âm dương bằng con đường vợ chồng giúp cân bằng các luân xa dễ dàng hơn.
Để lại một bình luận