Năng lượng sống prana & 11 nguyên nhân gây mệt mỏi triền miên
Updated: 03/06/2025 - By: Siêu - Categories: Chữa lành
Bạn đã từng thấy mình rơi vào trạng thái kiệt quệ dù chẳng làm gì quá sức? Trong nhịp sống hiện đại, không ít người cảm thấy mệt mỏi triền miên, cạn kiệt sinh lực, ngay cả khi họ ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ. Thể chất vẫn ổn, nhưng tinh thần như héo úa, chẳng còn đủ sinh khí để đối mặt với những áp lực thường ngày. Lý do không chỉ nằm ở cơ thể, mà là vì năng lượng sống – thứ quý giá nhất bạn sở hữu – đang bị tiêu tán bởi những yếu tố bạn chưa nhận ra.
Có một dạng năng lượng tinh tế nhưng vô cùng thiết yếu, xuất phát từ ánh sáng mặt trời và sự vận hành của tự nhiên. Dạng năng lượng này hiện diện khắp nơi trong không gian, nuôi dưỡng sự sống không chỉ ở cấp độ sinh học, mà còn ở cấp độ tâm trí. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại đầy máy móc và căng thẳng, rất ít người còn ý thức được sự tồn tại của nó. Triết học Ấn Độ cổ đại gọi nó là prana. Prana là nền tảng tạo nên thể năng lượng của con người và các loài động vật. Nó giúp hệ thống luân xa của cơ thể vận hành trôi chảy, từ đó ảnh hưởng đến cả thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc.
- Năng lượng sống Prana là gì?
- Vai trò của prana
- Nguyên nhân cạn kiệt năng lượng
- 1. Sống rời xa thiên nhiên
- 2. Thời tiết âm u
- 3. Cảm xúc tiêu cực
- 4. Ở gần những người độc hại
- 5. Luôn trong trạng thái căng thẳng
- 6. Tình dục quá độ
- 7. Xem video ngắn quá nhiều
- 8. Tắt nghẽn luân xa
- 9. Mất ngủ
- 10. Ngủ lệch nhịp điệu tự nhiên (ngủ ngày – làm đêm)
- 11. Ăn thịt động vật
- 12. Thực phẩm nghèo năng lượng
Năng lượng sống Prana là gì?
Khi mặt trời vừa ló rạng, sương còn đọng trên từng kẽ lá, và không khí mang theo cái lạnh trong lành chưa bị pha trộn bởi âm thanh của thế giới bận rộn, một dạng năng lượng vô hình đang âm thầm tuôn chảy – Prana.
Prana là khái niệm đến từ triết học Ấn Độ cổ đại, thường được hiểu là “năng lượng sống”, là khí lực nền tảng vận hành sự sống trong vạn vật. Khí công Trung Quốc gọi nó là “chi”, huyền học phương Tây gọi là dòng chảy từ tính. Prana không thể nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận – như sự thoải mái khi hít thở sâu giữa thiên nhiên, như cảm giác tâm hồn nhẹ nhõm sau một buổi sáng dậy sớm đi bộ qua cánh đồng còn ẩm sương.
Prana tồn tại khắp nơi xung quanh ta, không khí, đất, nước, và trong cơ thể sinh vật sống. Chúng có nguồn gốc từ ánh sáng mặt trời, được chuyển hóa bởi thực vật, sương sớm và mặt đất. Chúng đặt biệt xuất hiện rất nhiều trên mặt đất vào lúc sáng sớm, đặc biệt ở những vùng cỏ có những giọt sương li ti đọng trên lá. Sở dĩ người ta khuyên người bệnh nên đi chân trần trên đất vào lúc sáng sớm là để hấp thụ dạng năng lượng này qua các luân xa nhỏ ở lòng bàn chân.
Đã có nghiên cứu chứng minh việc đi chân trần trên đất có tác dụng chống các tế bào hồng cầu kết tụ lại với nhau và cải thiện sự lưu thông máu trong cơ thể. Thí nghiệm được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu, đặt lên lam kính hiển vi và quan sát. Ban đầu, các tế bào hồng cầu bị “xếp chồng” lên nhau. Sau khi người tham gia tiếp đất trong 10 phút, mẫu máu được kiểm tra lại, cho thấy sự cải thiện rõ rệt với các tế bào hồng cầu lưu thông tốt hơn, không còn hiện tượng xếp chồng. Kết quả này gợi ý rằng tiếp đất có thể ảnh hưởng tích cực đến tính chất của máu.
Prana đặc biệt dồi dào ở những nơi có nhiều ánh sáng, không khí trong lành và hệ thực vật phát triển. Cùng là nước nhưng nước suối ngoài thiên nhiên chứa nhiều prana hơn nước đóng chai. Cùng là không khí, nhưng không khí trong rừng dồi dào năng lượng hơn không khí trong thành phố.
Cây cối, đặc biệt là những cây cổ thụ lâu năm – sau khi hấp thụ ánh sáng mặt trời – không chỉ thực hiện quang hợp mà còn phóng thích prana ra môi trường xung quanh. Chính vì thế, khi ngồi dưới gốc cây lớn và hít thở sâu, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, thư thái, vì cơ thể đang hấp thụ một lượng lớn prana qua hệ hô hấp.
Ngoài ra, năng lượng này còn tồn tại trong thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả có màu sắc tự nhiên đa dạng – mỗi màu được cho là mang theo các loại prana khác nhau, bổ sung và cân bằng năng lượng cho cơ thể. Tuy vậy, quá trình chế biến ở nhiệt độ cao, bảo quản lâu trong tủ lạnh hoặc đóng hộp sẽ làm hao hụt đáng kể lượng prana trong thực phẩm. Do đó, những món ăn tươi, đơn giản và gần với tự nhiên chứa nhiều năng lượng prana hơn.
Vai trò của prana
Con người có khoảng 365 luân xa lớn nhỏ phân bố khắp các cơ quan trong cơ thể. Trong y học cổ truyền Trung Quốc chúng được gọi là các huyệt vị. Chúng điều phối dòng năng lượng Prana vào hoặc ra khỏi cơ thể để tạo ra chuyển động cơ học của các cơ quan nội tạng. Ví dụ, hoạt động của các luân xa nhỏ ở tim tạo ra nhịp đập của tim, hoạt động của các luân xa trong hệ hô hấp tạo ra nhịp thở.
Bạn có thể hình dung các luân xa như những máy biến thế dùng trong hoạt động truyền tải điện năng. Các luân xa đóng vai trò như những cầu nối giúp dòng năng lượng giữa vũ trụ và cơ thể lưu thông một cách liên tục và hài hòa. Bởi lẽ, năng lượng tự nhiên lan tỏa từ chỗ dư thừa đến chỗ thiếu hụt như một quy luật hướng tới sự cân bằng.
Ngoài cung cấp năng lượng cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, prana còn là năng lượng cho suy nghĩ và cảm xúc. Những suy nghĩ khác nhau là những mô hình lan tỏa dòng chảy năng lượng khác nhau trong các tế bào não và dây thần kinh. Cảm xúc là sự kết hợp của não và hoạt động bất thường của một số cơ quan nội tạng nhất định. Ví dụ, tức giận là trạng thái tim đập nhanh hơn, gan sinh nhiệt mạnh hơn, phổi thở gấp hơn, cơ bắp co thắt, và não ưu tiên hơn cho phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”.
Suy nghĩ và cảm xúc là những dòng chảy năng lượng từ tính len lõi qua các tế bào. Những hoạt động này sử dụng năng lượng prana. Những suy nghĩ đơn thuần không mang theo cảm xúc tiêu hao ít năng lượng hơn những suy nghĩ đi kèm cảm xúc. Cảm xúc càng cần nhiều cơ quan nội tạng hoạt động bất thường càng tiêu tốn nhiều năng lượng.
Ở trạng thái thư giãn như bình tĩnh, tự tin, đồng cảm, vị tha, hạnh phúc, các cơ quan lớn như tim, gan, phổi và hệ cơ hoạt động cân bằng và ít tiêu hao năng lượng. Cảm xúc dù là tích cực, như phấn khởi thái quá cũng làm tiêu hao năng lượng ở một mức độ nhất định. Tức giận, hận thù, sợ hãi, ghen tỵ, căng thẳng làm tim, gan, phổi và cơ bắp hoạt động mạnh hơn bình thường và tiêu hao năng lượng nhiều nhất. Tức giận làm tổn thương gan, tăng nhịp tim và huyết áp, gây căng thẳng cho tim và phổi. Buồn bã ảnh hưởng đến phổi, dẫn đến thở nông, đồng thời tăng nhịp tim.
Các luân xa trong cơ thể có mối liên kết với nhau như những bánh răng trong một động cơ. Chúng hoạt động hài hòa và cân bằng với nhau sẽ tiêu hao ít năng lượng. Ngược lại, hoạt động bất thường của một hoặc vài luân xa ở một số cơ quan nhất định – do cảm xúc thất thường – không chỉ làm tiêu hao năng lượng một cách hoang phí mà còn có thể làm tắt nghẽn dòng chảy từ tính bên trong cơ thể. Do đó, duy trì cân bằng cảm xúc là yếu tố then chốt để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ sức khỏe của bạn.
Vòng lặp suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực – sợ hãi, buồn bả, lo âu, căng thẳng, tức giận, hận thù – rút cạn nguồn năng lượng prana của cơ thể rất nhanh. Khi prana cạn kiệt, cơ thể sẽ ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng còn lại cho các cơ quan quan trọng để duy trì hoạt động sống. Bộ não thiếu hụt năng lượng làm cho con người không thể suy nghĩ thông suốt. Nó tạo thành cái vòng lặp nhấn chìm con người vào hố sâu tuyệt vọng. Những người không biết sự tồn tại của prana để bổ sung kịp thời sẽ bị cảm xúc tiêu cực nhấn chìm.
Cảm xúc con người có thể chuyển từ tích cực sang tiêu cực một cách rất nhanh nếu thiếu năng lượng. Một người đang vui vẻ, lạc quan hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái chán nản, tiêu cực chỉ sau vài ngày. Tôi từng cảnh báo điều này với một người vừa mới trải qua thức tỉnh tâm linh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tâm trạng của họ đang phấn khởi, tràn đầy năng lượng nên đã bỏ qua lời khuyên của tôi. Chỉ hai tuần sau, họ quay lại với vẻ hoang mang, hỏi tôi rằng: “Tại sao cảm xúc lại xuống dốc nhanh đến vậy, phải làm sao bây giờ?”
Thực tế là: khi bạn chưa từng trải qua, bạn sẽ khó hình dung được mức độ nguy hiểm của sự sụp đổ cảm xúc sau thức tỉnh tâm linh. Nhiều người lý giải nguyên nhân là do sự tan rã của bản ngã. Nghe có vẽ huyền bí, cao siêu và hấp dẫn nhiều người. Nhưng nguyên nhân thật sự của vấn đề là do các luân xa có những tổn thương lớn sau quá trình thức tỉnh tâm linh và cần được chữa lành. Chỉ khi quá trình chữa lành được thực hiện đúng cách, bạn mới có thể dần khôi phục lại sự ổn định trong cảm xúc và trở về gần với tính cách vốn có trước đó. Chẳng có bản ngã nào tan rã cũng không có cái tôi nào chết đi cả.
Nguyên nhân cạn kiệt năng lượng
1. Sống rời xa thiên nhiên
Cơ thể luôn hấp thụ nguồn prana mới từ ngoài môi trường vào thông qua các luân xa để thay thế cho nguồn prana cũ đã được sử dụng. Những nơi càng rời xa thiên nhiên và càng đông người thì nguồn prana càng ít ỏi. Nhất là các khu chung cư trong trung tâm thành phố, rất nhiều người chia sẻ với nhau nguồn prana ít ỏi. Ngày xưa sống gần gũi thiên nhiên bạn không cần quan tâm đến prana làm gì vì nó có đầy ở khắp mọi nơi. Ngày nay, con người chặt hết cây cối và không chịu đi chân đất nên mắc đủ thứ chứng bệnh.
2. Thời tiết âm u
Ở những nơi trời âm u thiếu ánh sáng suốt cả ngày con người dễ mắc chứng trầm cảm cũng do thiếu prana. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết xấu, ví dụ như mưa ròng rã nhiều ngày liên tiếp, lượng prana trong không khí rất ít. Những người có cơ địa hấp thu kém gặp khó khăn hơn trong việc hấp thụ prana từ không khí; do đó, so với người bình thường, họ thường cảm thấy mệt mỏi và uể oải hơn.
3. Cảm xúc tiêu cực
Trải qua các cảm xúc tiêu cực như lo âu, căng thẳng, buồn bã hoặc tức giận kéo dài có thể gây tiêu hao năng lượng lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi cơ thể ở trong trạng thái cảm xúc tiêu cực, hệ thần kinh giao cảm kích hoạt phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, làm tăng nhịp tim, huyết áp và tiết adrenaline, dẫn đến tiêu tốn năng lượng dự trữ. Đồng thời, cảm xúc tiêu cực kéo dài làm gián đoạn giấc ngủ, giảm khả năng phục hồi năng lượng và gây ra mệt mỏi mãn tính, khiến cơ thể cảm thấy kiệt sức và thiếu động lực cho các hoạt động hàng ngày.
4. Ở gần những người độc hại
Việc tiếp xúc thường xuyên với những người độc hại, như những người hay phàn nàn, chỉ trích hoặc gây áp lực, có thể làm tiêu hao năng lượng tinh thần và cảm xúc một cách đáng kể. Sự tương tác này khiến não bộ phải liên tục xử lý căng thẳng, kích hoạt trạng thái phòng thủ hoặc lo âu, dẫn đến mệt mỏi về tinh thần. Hơn nữa, môi trường tiêu cực từ những người này có thể làm giảm động lực, gây cảm giác bất an và kiệt sức, khiến cơ thể khó duy trì trạng thái năng lượng tích cực để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, theo nguyên tắc cân bằng, nếu năng lượng của bạn cao hơn của họ thì bạn có thể bị rút bớt năng lượng khi tương tác cảm xúc với họ.
5. Luôn trong trạng thái căng thẳng
Khi bạn làm việc trong tâm thế so sánh với người khác, chạy theo mục tiêu, và liên tục suy nghĩ về tương lai, bạn vô tình đẩy mình vào trạng thái căng thẳng. Năng lượng bị tiêu hao không phải cho hành động thực tế, mà cho những dòng suy nghĩ không ngừng về thành công của người khác và viễn cảnh chưa xảy ra. Hệ quả là bạn dễ kiệt sức, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngược lại, nếu bạn làm việc trong trạng thái thoải mái, không quá đặt nặng chuyện thành hay bại, và tập trung vào việc đóng góp giá trị cho xã hội, tâm trí bạn sẽ ổn định hơn. Từ đó, bạn có thể tiết kiệm được năng lượng và duy trì hiệu suất làm việc lâu dài.
6. Tình dục quá độ
Hoạt động tình dục đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ của nhiều nhóm cơ, kích thích hệ thần kinh và tăng cường hoạt động của hệ tim mạch, dẫn đến tiêu hao năng lượng đáng kể. Khi thực hiện quá độ, cơ thể phải huy động nguồn năng lượng dự trữ, gây ra mệt mỏi, suy nhược và giảm khả năng tập trung. Ngoài ra, tình dục quá mức có thể làm rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến sự cân bằng năng lượng trong cơ thể, khiến người ta cảm thấy kiệt sức và mất đi động lực cho các hoạt động khác.
7. Xem video ngắn quá nhiều
Việc xem video ngắn liên tục, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội, có thể gây tiêu hao năng lượng tinh thần do não bộ phải xử lý lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn. Mỗi video kích thích sự chú ý và cảm xúc, khiến hệ thần kinh trung ương hoạt động liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi. Hành vi này còn làm tăng căng thẳng, giảm chất lượng giấc ngủ và gây mệt mỏi về tinh thần, dẫn đến cảm giác uể oải và thiếu năng lượng cho các hoạt động hàng ngày.
8. Tắt nghẽn luân xa
Ngoài ra, nếu có luân xa nào đó bị tắt nghẽn, dù cho có đầy đủ prana tồn tại xung quanh, dòng chảy năng lượng cũng không thể thuận tiện lưu chuyển qua luân xa đó được. Luân xa tắt nghẽn sẽ làm bạn thay đổi tính cách trở nên tiêu cực hơn. Ngoài ra, dòng chảy năng lượng không thông suốt có thể gây bệnh trên cơ thể. Các luân xa thường bị tắt nghẽn khi bạn thường xuyên tức giận, sợ hãi tột độ, u uất lâu ngày, hoặc rơi vào một biến cố lớn trong cuộc đời.
Âm thanh côn trùng kêu vào ban đêm, các loài ếch nhái trên cánh đồng sau cơn mưa, tiếng nước chảy, tiếng ve kêu, tiếng dế, tiếng chim hót, gà gáy sáng… có tác dụng chữa tắt nghẽn luân xa rất hiệu quả. Nếu nhà bạn có khu đất rộng, hãy tái tạo lại môi trường sống cho các loài côn trùng để nghe âm thanh chữa lành từ chúng hàng đêm. Nếu không có đất rộng, hãy tải những âm thanh chữa tắt nghẽn luân xa trên mạng và nghe hàng đêm trước khi ngủ.
Ngoài ra, nằm thiền cũng là một phương pháp chữa tắt nghẽn luân xa hiệu quả dựa vào cơ chế tự chữa lành của cơ thể. Khi tức giận, luân xa 3 và 4 rất dễ tắc nghẽn, làm cho nhịp tim đập nhanh hơn bình thường. Những lúc như thế, bạn nên nằm thiền tập trung sự chú ý của mình vào nhịp tim để chữa tắt nghẽn các luân xa.
9. Mất ngủ
Giấc ngủ không chỉ là thời gian nghỉ ngơi của thể xác, mà còn là khoảng thời gian các cơ quan nội tạng và hệ thống luân xa được phục hồi và tái cân bằng năng lượng. Khi bạn mất ngủ, quá trình tự chữa lành này bị gián đoạn. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, các luân xa có thể bị tắc nghẽn, gây ra sự trì trệ trong dòng chảy năng lượng. Kết quả là bạn cảm thấy kiệt sức, mất cảm hứng sống, thậm chí dễ rơi vào trạng thái tiêu cực về cảm xúc và tinh thần.
10. Ngủ lệch nhịp điệu tự nhiên (ngủ ngày – làm đêm)
Cơ thể con người được thiết kế để sống hài hòa với nhịp điệu tự nhiên của vũ trụ, đặc biệt là chu kỳ sáng – tối của mặt trời. Ban ngày, mặt trời tỏa ra năng lượng mạnh mẽ giúp cơ thể hấp thu và trao đổi năng lượng hiệu quả. Ban đêm là thời gian năng lượng rút xuống, không khí tĩnh lặng và cơ thể cần được nghỉ ngơi. Khi bạn đảo ngược nhịp sống – ngủ ban ngày và làm việc ban đêm, cơ thể không còn đồng bộ với nhịp năng lượng tự nhiên, dẫn đến mất cân bằng và tiêu hao nội lực. Về lâu dài, điều này khiến hệ thống năng lượng suy yếu, tinh thần trở nên mệt mỏi, và cảm xúc dễ rối loạn.
11. Ăn thịt động vật
Thịt động vật bị giết mỗ một cách vô nhân đạo mang theo những nguồn năng lượng xấu do chúng sợ hãi tột độ trước lúc chết. Năng lượng xấu ở đây không mang ý nghĩa huyền bí mà nó là sản phẩm chuyển hóa do con vật tiết ra do sợ hãi tột độ trước khi chết. Con người ăn phải thịt mang nguồn năng lượng này sẽ trở nên dễ tức giận, cáu gắt, khó chịu. Năng lượng xấu tích tụ trong cơ thể lâu ngày sẽ làm tắt nghẽn các luân xa và làm tắc nghẽn dòng chảy năng lượng trong cơ thể. Sự tắc nghẽn tích tụ lâu ngày sẽ tạo ra đủ thứ chứng bệnh tại cơ quan bị ảnh hưởng.
12. Thực phẩm nghèo năng lượng
Một trong những nguyên nhân quan trọng gây tiêu hao năng lượng sống là việc tiêu thụ thực phẩm nghèo năng lượng – bao gồm thực phẩm đông lạnh, đóng hộp, hoặc đã qua chế biến ở nhiệt độ cao. Quá trình nấu nướng ở nhiệt độ quá mức, đặc biệt là chiên rán, không chỉ phá hủy một số dưỡng chất tự nhiên trong thực phẩm, mà còn làm hao hụt một lượng lớn prana. Tương tự, việc bảo quản thực phẩm bằng cách đông lạnh hoặc đóng hộp trong thời gian dài khiến thực phẩm mất đi sinh khí tự nhiên, trở nên “chết”, thiếu sức sống. Lối sống xa rời thiên nhiên, thức khuya, kết hợp với ăn uống thực phẩm nghèo năng lượng prana là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật.
Để lại một bình luận