Updated: 27/02/2024 - By: - Categories: Thức tỉnh

Giác ngộ giải thoát không phải là chuyển sinh về cõi nào đó không còn khổ đau nữa mà chính là giải phóng tâm trí khỏi những khổ đau do bản ngã tạo ra. Bản ngã không thể tiêu diệt được tận gốc bằng cách diệt trừ tham sân si mà phải đi theo con đường của từ bi và trí tuệ.

Bản ngã chính là tâm

hanh-phuc

Từ xưa, người ta đã phát hiện ra có cái gì đó điều khiển và tạo nên tính cách khác biệt của mỗi con người và đặt tên cho nó là bản ngã. Những người sau này phát hiện ra các kinh lạc (hay luân xa) trong y học cổ truyền ảnh hưởng đến tính cách của con người. Và gần đây tôi phát hiện ra 7 cái luân xa chính dọc theo cột sống cũng chính là 7 tâm tham si sân thiện nhẫn chân tuệ mà người ta thường nói đến.

Con người chỉ như những con robot sinh học do vũ trụ tạo ra mà thôi. Các luân xa chính là những con chip mà vũ trụ cấy vào để tạo nên trí tuệ và sự khác biệt của mỗi con người (gọi tắt là cái tôi hay bản ngã). Nó giống y hệt trí tuệ nhân tạo do con người tạo ra vậy đó. Robot có hệ thống tán thưởng của riêng nó để phân biệt đúng sai, cái gì nên học cái gì không. Hệ thống tán thưởng của con người là các hormone hạnh phúc. Con người làm theo những gì khiến họ thấy hạnh phúc nhất. Người tâm si lớn thì thích ăn, thích uống, thích tình dục. Người tâm sân lớn thì thích quyền lực, giàu có, hơn thua, tranh giành.

Bản ngã nếu đúng nghĩa bao gồm cả tốt và xấu. Cái bản ngã mà người tu hành muốn tiêu diệt là cái bản ngã dẫn con người đến khổ đau có nguồn gốc từ tham sân si. Trong bài này, tôi chỉ hướng dẫn bạn cách làm chủ bản ngã để nó không thể khiến bạn khổ đau mà thôi. Quan điểm của tôi là không thể và cũng không cần phải diệt trừ tận gốc tham sân si trừ khi bạn không cần cơ thể này nữa. Còn nếu bạn muốn vô ngã, diệt tận gốc tham sân si, chấm dứt luân hồi sinh tử tức là bạn muốn hồn xiêu phách tán như trong phim thì hiện tại tôi thấy nó không có ý nghĩa gì cả.

Cách cho đi cái tôi

lam-chu-ban-nga

Trong đêm thức tỉnh tâm linh của tôi, có 2 tư tưởng xuất hiện trong đầu tôi. Một là “tình yêu thương cao cả xóa tan dục vọng tầm thường”. Hai là “cho đi không mong cầu nhận lại để tiêu diệt bản ngã”. Đây cũng là hai thử thách khó khăn nhất của người tu hành, dục vọng và bản ngã.

Câu thứ nhất hiểu nôm na là bạn có thể làm việc cứu giúp người khốn khổ để quên đi dục vọng hoặc sự si mê đối với một người nào đó. Câu này áp dụng rất hiệu quả cho những người sống thiên về cảm xúc vừa mới thất tình. Thay vì giờ phút nào cũng nghĩ về người yêu cũ thì bạn có thể dùng tâm trí của mình để đọc sách và nghiên cứu vấn đề gì đó để giúp đỡ cho một nhóm đối tượng nào đó. Có điều kiện thì đi làm từ thiện ở các trại trẻ mồ côi, trại tâm thần, người khuyết tật, người vô gia cư… Điều này giúp bạn trải qua nỗi đau khổ do chuyện tình cảm rất nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, nó chỉ áp dụng được với những người giàu lòng trắc ẩn mà thôi.

Câu thứ hai ý nghĩa cho đi đến khi nào không còn gì để cho, cho luôn cái thân xác là bạn đã tiêu diệt được bản ngã. Sợ chấp vào cái gì cứ cho cái đó. Ví dụ sợ chấp vào kiến thức thì chia sẻ cho ai cũng biết; lúc đó bạn không còn gì để chấp nữa. Sợ chấp vào tài sản sinh ngạo mạng thì cứ đem hết tài sản ra cứu giúp người nghèo khổ, khi không còn tài sản nữa thì còn gì nữa mà chấp.

Cho đi vì lòng trắc ẩn (không mong cầu nhận lại) bạn sẽ phát triển tâm tuệ (luân xa 7) theo thời gian. Tâm tuệ càng lớn bạn càng cho được càng nhiều thứ hơn. Trong quá trình cho đi như vậy thì bạn sẽ vô tình cho đi cái tôi của mình lúc nào không hay biết. Vì có một số đối tượng “khó ăn khó ở” bạn phải hạ cái tôi của mình xuống để họ chịu nhận lấy sự giúp đỡ từ bạn. Có lẽ bạn nghĩ chảnh quá thì mặc kệ họ đúng không nhưng nếu họ là người thân hay người yêu của bạn thì sao?

Trước lúc giác ngộ con người thường bị ràng buộc bởi các mối quan hệ tình cảm và định kiến xã hội, can thiệp vào nghiệp quả của người khác dẫn đến khổ đau cho chính bản thân. Sau khi giác ngộ rồi mới biết con người phải trải qua khổ đau thì họ mới trưởng thành về mặt tâm linh. Nhiều khi giúp đỡ người khác lại là cản trở quá trình nhận lấy bài học của họ. Bài học từ những khổ đau nhỏ sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn lớn hơn trong tương lai. Suy cho cùng ta không biết rằng ta đồng hành cùng với họ trong khoảng thời gian bao lâu. Ta cũng không thể đi theo họ từ kiếp này sang kiếp khác để bảo hộ họ. Như vậy chính là nghiệp quả chồng chất.

Cả 2 câu trên đều hướng đến dùng lòng trắc ẩn từ tâm tuệ để khống chế sân và si chứ không phải trực tiếp diệt trừ sân si như những người tu khổ hạnh làm.

Tại sao khổ hạnh thất bại?

kho-hanh-1

Tất cả 7 tâm (tham si sân thiện nhẫn chân tuệ) hỗ trợ và khống chế lẫn nhau. Bạn chỉ có thể cân bằng và phát triển tất cả để không bị một tâm nào đó phát triển lấn át và dẫn dắt chứ không thể diệt trừ. Sở dĩ những người tu khổ hạnh thất bại là vì mục đích buông bỏ vì sự giải thoát cho chính bản thân họ. Chính vì vậy mà tâm tuệ của họ không phát triển trong suốt quá trình họ tu khổ hạnh. Ngoài ra, thân không khỏe mạnh thì trí tuệ không thể phát sinh do có ít hormone hạnh phúc trong não bộ.

Một lý do thất bại nữa của những người tu khổ hạnh là họ muốn tiêu diệt hoàn toàn bản ngã. Mục đích của họ khi buông bỏ tài sản, hành khất, ăn xin, xưng con với cả thiên hạ… là nhằm tiêu diệt tâm ngã mạng (hay tâm sân). Còn những người hành xác, bỏ đói cơ thể, không mặc quần áo giữa trời lạnh nhằm muốn tiêu diệt sự si mê, bám chấp, hưởng thụ, dục lạc từ tâm si. Nhưng tất cả như vậy chỉ làm quá vấn đề lên và tự đi tìm cho mình cái khổ khác mà thôi. Kết quả cuối cùng thì lịch sử đã chứng minh, tất cả đều thất bại.

Tham si sân thiện là cội nguồn của sự sống. Khi nào bạn còn cần cơ thể xác thịt thì bạn đừng mong mà diệt trừ được chúng. Còn biết đói biết no là còn si. Còn đi tìm thức ăn là còn tham. Còn mong cầu giải thoát niết bàn là còn sân.

Giải thoát là gì?

giai-thoat

Mục tiêu ban đầu của bạn khi tìm đến tu hành là vì cái gì? Có phải đa phần là do gặp phải khổ đau trong cuộc sống mới tìm đến tu hành không? Vì đang yên lành chẳng ai đi tu hay có nhu cầu thức tỉnh tâm linh để làm gì cả. Như vậy, cái bạn cần tìm là làm sao để không còn đau khổ nữa. Khi không còn thấy khổ nữa là bạn đã giải quyết được vấn đề rồi. Làm quá nó sẽ trở thành ố dề. Ví dụ nếu nắm giữ quá nhiều thứ khiến bạn đau khổ thì khi bạn chịu buông bỏ bớt là bạn đã hạnh phúc rồi. Nếu bạn tiếp tục bỏ ăn bỏ uống, bỏ thân xác là trở thành ố dề.

Khi bạn không mong cầu gì nữa, thay đổi nhận thức để hạnh phúc với những gì bạn đang có thì bạn đã giải thoát. Đạo giải thoát là giải thoát từ trong tâm trí để hướng đến hạnh phúc, an lạc. Khi bạn không còn cảm thấy khổ nữa là bạn đã thành công rồi đó.

Nếu khổ đau luân hồi thì hạnh phúc an lạc cũng sẽ được luân hồi vì phiên bản kiếp sau sẽ tiếp nối tư tưởng của phiên bản kiếp trước. Nếu bạn đã hạnh phúc an lạc rồi thì còn luân hồi hay không, hoặc luân hồi về đâu không phải là vấn đề quan trọng vì chắc chắn đi đến đâu bạn cũng hạnh phúc an lạc. Chỉ có những người sống trong khổ đau mới mong muốn tìm mọi cách chấm dứt luân hồi sinh tử. Và còn khổ đau thì chắc chắn là sẽ tái sinh trở lại để tiếp nối khổ đau chừng nào tìm ra lối thoát thì thôi.

Cái bạn cần tìm là niềm hạnh phúc tự thân tự bạn có thể tạo ra mà không cần ai mang đến cho bạn. Và loại hạnh phúc đó đạt được khi bạn giác ngộ. Ngoài mang lại niềm hạnh phúc an lạc tự thân cho bạn, giác ngộ còn giúp bạn hiểu cách thức nghiệp quả vũ trụ vận hành để có hướng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống một cách đúng đắn, tránh rơi vào các nghiệp quả xấu. Con đường giác ngộ thì có những người đi trước đã tìm ra được rồi, bạn thích con đường nào thì theo con đường đó.

Tuy nhiên, bạn phải biết trải nghiệm hành trình tiến hóa của mỗi người là mỗi khác nhau. Bạn không thể áp dụng y hệt con đường của người khác trong khi tâm thức bạn chưa đủ từ bi trắc ẩn giống như họ. Trong bài giác ngộ bằng đường đời của tôi có hướng dẫn để bạn tự xác định bạn đang ở đâu trên hành trình tâm linh và tự tìm đường đi cho chính mình.

Phật tính không sẵn có

phat-tinh-1

Phương pháp của tôi là không phân biệt nam nữ, tất cả phát triển thành những phiên bản hoàn chỉnh. Cân bằng tất cả 7 tâm (hay luân xa), thiếu cái nào thì bổ sung cái đó. Ai thấy mình nữ tính mềm yếu thì tăng cường vận động thể chất, thể dục thể thao, luyện võ để cân bằng lại. Ai thấy mình nắm quá nhiều thứ thì buông bỏ bớt, tập sống chậm lại, nghỉ ngơi, hưởng thụ nhiều hơn. Mượn nguồn quang của người khác sẽ giúp bạn rèn luyện tâm thức dễ dàng hơn. Thiếu lòng trắc ẩn thì ở gần những người giàu lòng trắc ẩn để rèn luyện tâm tuệ của bạn lên.

Cái gì cũng phải rèn luyện mà có không có cái gì có sẵn. Trí tuệ cũng đến từ bên ngoài tích lũy dần trong tiềm thức chứ không phải vốn dĩ nó đã ở bên trong như nhiều người nghĩ. Có lẽ bạn nghe người ta nói bố thí để phát triển lòng trắc ẩn nhưng tôi chắc chắn rằng những người thiếu lòng trắc ẩn không cảm nhận được gì khi bố thí đâu. Ví dụ đơn giản dễ hiểu người lười vận động mà bạn kêu chơi thể thao đi vui lắm thì họ chỉ thấy hành xác mà thôi.

Những câu kiểu như “phật tính ở trong tâm mỗi người, hãy quay vào bên trong” chỉ áp dụng được cho một vài người có lòng trắc ẩn đã được rèn luyện được qua nhiều đời nhiều kiếp mà thôi. Cái bạn không có thì tìm hết tâm bạn cũng không có đâu. Nếu ai cũng có lòng từ bi trắc ẩn trong tâm để giác ngộ thì ngày xưa phật Thích Ca cũng không cần đi hành khất để cứu độ người khác làm gì. Vì nếu ai cũng có lòng từ bi như nhau thì chỉ nghe qua kinh sách là người ta đã giác ngộ hết rồi. Tóm lại, bạn cần phải ghi nhớ câu “mượn nguồn quang của người khác sẽ giúp bạn rèn luyện tâm thức dễ dàng hơn”. Tâm bạn thiếu cái gì thì hãy ở gần những người có cái đó.

Xin chào, tôi là Siêu. Bài viết này dựa trên quan điểm của cá nhân tôi và luôn có sự thay đổi, cập nhật theo thời gian. Mong bạn tham khảo có chọn lọc và kiểm chứng lại.

You may like

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *