Chân đế, tục đế – Tại sao không tu hành tinh tấn?
Updated: 30/07/2024 - By: Siêu - Categories: Chân đế
Nhiều điều bạn cho là hiển nhiên như việc tích trữ tài sản, niệm phật cầu xin, đốt nhang đèn giấy tiền vàng mã cho người chết… là đúng vì ngay từ bé bạn đã thấy mọi người xung quanh bạn đều làm như vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là những tập tục hoặc quy ước chung của một nhóm số đông người. Đạo phật gọi đó là tục đế. Phần lớn những tiêu chuẩn đúng sai, thiện ác, tốt xấu do con người quy ước trong xã hội hiện nay đều là tục đế. Khi thức tỉnh, bạn sẽ thấy những tiêu chuẩn thiện ác, đúng sai, tốt xấu của mình đảo lộn rối loạn cả lên. Trong bài này tôi sẽ đưa ra một ví dụ đơn giản để bạn hiểu thế nào là chân đế và tục đế và giải thích tại sao không nên tu hành tinh tấn.
- Ví dụ khỉ giàu khỉ nghèo
- Chân đế, tục đế là gì?
- Thiện ác, đúng sai, tốt xấu
- Tại sao không tu hành tinh tấn?
Ví dụ khỉ giàu khỉ nghèo
Trong một khu rừng có một đàn khỉ sống với nhau. Hàng ngày lũ khỉ chơi đùa nhảy múa, đói thì hái trái cây ăn, khát nước thì ra suối uống nước. Lượng cây trái trong rừng hàng ngày tạo ra đủ thực phẩm cho lũ khỉ sống mà không cần lo nghỉ việc thiếu thốn thức ăn. Bỗng dưng một ngày một số con khỉ nổi lòng tham, ngoài ăn còn hái trái cây để tích trữ lại. Dần dần, những con khỉ còn lại thấy lượng trái cây ngày càng khan hiếm đâm ra sợ hãi và cũng chạy đua tích trữ.
Đến một ngày lượng trái cây không còn đủ để cung cấp cho toàn bộ đàn khỉ vừa ăn vừa tích trữ lại dẫn đến một số con khỉ không kịp tranh dành tích trữ không có gì để ăn. Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh trong đàn khỉ. Những con khỉ đói buộc phải đánh nhau với những con khỉ có tích trữ nhiều trái cây để tranh dành thức ăn hoặc là nghe theo sai khiến của chúng. Đàn khỉ bắt đầu phân chia giai cấp, khỉ giàu có nhiều trái cây tích trữ và khỉ nghèo bữa đói bữa no.
Một số khỉ nghèo bắt đầu tìm hiểu và hiểu ra nguyên nhân là do bọn khỉ giàu tích trữ quá nhiều. Nhưng đa số khỉ nghèo lại tôn kính khỉ giàu như cha mẹ tái sinh, mong muốn kết thân với khỉ giàu, làm mọi cách để có được thức ăn. Đàn khỉ bắt đầu xem việc tích trữ là điều hiển nhiên, là tiêu chuẩn của một con khỉ thành công. Khỉ giàu khinh thường khỉ nghèo lười làm việc. Nhiều khỉ giàu tích trữ lượng trái cây nhiều đến mức hư thối vứt đi chứ nhất quyết không chia cho khỉ nghèo. Khỉ nghèo không biết vì sao mình đào nát cả khu rừng cũng không tìm đủ thức ăn. Vấn đề nạn đói, hận thù, chiến tranh cũng bắt nguồn từ đây.
Bỗng dưng một ngày, một số con khỉ giàu bắt đầu mệt mỏi vì phải chạy đua tích trữ quá nhiều. Chúng nghĩ đến cuộc sống hạnh phúc không phải lo nghĩ về chuyện tìm kiếm cái ăn thuở xưa. Chúng bắt đầu tìm về ý nghĩa cuộc sống và học lại cách sẻ chia với đồng loại của mình. Dần dần, chúng bắt đầu thức tỉnh và giúp những con khỉ khác chữa lành và thức tỉnh theo.
Vấn đề của đàn khỉ đó cũng giống như vấn đề cách biệt giàu nghèo trong xã hội loài người. Tất cả những gì bạn cho là của bạn đều là lấy từ vũ trụ. Bạn chỉ có quyền lấy đủ lượng thức ăn cần thiết cho cuộc sống hàng ngày chứ không được phép tích trữ làm của riêng. Vũ trụ đâu cho phép làm điều đó.
Những người mà ngày nay được cho là người thành công lại là những người làm trái với quy luật vận hành của vũ trụ nhiều nhất. Vũ trụ vốn dĩ thiết kế con người theo hướng cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi hàng ngày, chứ không phải tích trữ thật nhiều để hưởng thụ dần mà không cần phải làm việc, hoặc ngược lại, làm việc như những cổ máy đào xúc múc hút năng suất để hủy diệt trái đất.
Vũ trụ thiết kế con người hướng đến cân bằng để làm gì? Bạn thử tưởng tượng nếu vũ trụ thiết kế con người như những cỗ máy đào xúc múc hút, làm việc ngày đêm không biết nghỉ ngơi thì trái đất sẽ nát như tương bần nhanh như thế nào? Ngay cả máy móc còn cần hệ thống tản nhiệt thì con người không thể giờ phúc nào cũng kỷ luật, kế hoạch, tinh tấn.
Chân đế, tục đế là gì?
Trong đạo phật có khái niệm chân đế và tục đế. Tục đế chỉ những quy ước của xã hội được số đông người thế tục cho là đúng và làm theo. Chân đế chỉ những chân lý thuận theo tự nhiên (hay sự thật) được những người giác ngộ thấy ra và truyền dạy lại.
Trong ví dụ đàn khỉ ở trên, những con khỉ sống không tích trữ là sống theo chân đế. Những con khỉ cướp đoạt trái cây từ tự nhiên và cho rằng là của riêng chúng là sống theo tục đế. Những quy ước kiểu như: con khỉ nào hái trái cây trước thì trái cây thuộc sở hữu của nó, một con khỉ giàu có, thành công, hạnh phúc là một con khỉ có nhiều trái cây tích trữ… là tục đế.
Tục đế có thể hiểu nôm na như những quy ước của kẻ mạnh, của số đông. Tục đế không phải sự thật. Sự thật là những con khỉ giàu cướp đoạt trái cây từ tự nhiên mới dẫn đến thiếu thốn trái cây, nạn đói, hận thù và chiến tranh. Nếu những con khỉ giàu không tích trữ thì trái cây vẫn còn ngoài tự nhiên thì con khỉ nào đói cứ việc ra hái trái mà ăn thì cần gì phải tranh dành, chiến tranh. Giải thích nghiệp quả phải dựa trên chân đế chứ không phải cứ nhìn vào lợi ích trước mắt, ác nghiệp mà cho là phước đức kiếp trước.
Để hiểu được chân đế bạn phải hiểu chân ngã của mình. Bản thân bạn và vạn vật trong vũ trụ đều là những phần khác nhau trong cùng một cơ thể gọi là vũ trụ (hay Thượng Đế). Là một phần trong một cơ thể thì phải sống vì cơ thể chung, không được xem bất kỳ thứ gì là của riêng mình, tôn trọng sự sống của muôn loài, không có sự phân biệt người thân, họ hàng, dân tộc, màu da, tôn giáo.
Nhiều người không hiểu rõ cội nguồn của mình nên mới sống như một bản ngã ích kỷ, cái gì tốt đẹp đều muốn chiếm đoạt làm của riêng. Hiểu và sống đúng với chân ngã của mình gọi là sống theo chân đế. Ngược lại, sống chạy theo những tiêu chuẩn thành công (về hạnh phúc, tiền tài, địa vị, danh vọng) do xã hội ngày nay quy ước gọi là sống theo tục đế.
Vô ngã không phải là không có ngã mà là không tồn tại một tự ngã độc lập trong vũ trụ. Nhiều người không hiểu cứ tìm mọi cách để diệt ngã. Họ hướng đến không ăn không uống như là muốn tuyên bố với Thượng Đế “tôi không cần lấy gì từ vũ trụ cả, tôi muốn lập một cõi riêng”. Nhưng làm sao độc lập được vì ngay cả linh hồn của họ cũng là do vũ trụ ban cho.
Để hiểu rõ hơn về chân đế, bạn nên nghe thêm bài “trí tuệ của Thượng Đế” trong kênh. Mặc dù tôi không có đề cập đến khái niệm chân đế tục đế trong bài nhưng lối sống thuận theo tự nhiên mà tôi đề cập chính là thuộc về chân đế. Những gì xảy ra trong tự nhiên không có sự can thiệp của con người là trí tuệ của Thượng Đế. Sống thuận theo tự nhiên là cách dễ dàng nhất để tuân phục Thượng Đế. Mọi vấn đề của con người đều xuất phát từ sống trái với tự nhiên mà ra.
Ví dụ, vấn đề tiêm hay không tiêm vắc xin, con người ngày nay chia thành 2 phe, phe thứ nhất ủng hộ việc tiêm vắc xin để phòng bệnh, phe thứ hai chống vắc xin ủng hộ miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Vậy phe nào đúng trong trường hợp này?
Con người nếu sống hòa hợp với thiên nhiên thì sức khỏe rất tốt, hệ miễn dịch tự nhiên đã đủ để sống khỏe mạnh mà không cần tiêm hàng tá vắc xin vào cơ thể hoặc uống hàng đống thuốc hàng ngày để duy trì sự sống. Hơn nữa, lối sống thuận theo tự nhiên sẽ không làm phát sinh nhiều bệnh lạ như ngày nay.
Nói vấn đề của con người thì nhiều người sẽ gay gắt với tôi nên tôi lấy ví dụ về gà công nghiệp cho bạn dễ hình dung. Gà công nghiệp cần phải có thuốc tiêm, thuốc ăn hàng ngày mới sống được trong khi gà thả vườn hoặc gà rừng thì không cần. Con người cũng giống như vậy, người công nghiệp thì sức đề kháng yếu hơn người sống hòa hợp thiên nhiên. Con người ngày nay sống xa rời thiên nhiên thì phải tiêm vắc xin và uống đủ thứ thuốc vào cơ thể để duy trì sự sống. Con người ngày nay mà không tiêm vắc xin thì sẽ chết la liệt như gà công nghiệp mà không được cho ăn thuốc, tiêm thuốc hàng ngày.
Chân đế ở ví dụ này là sống thuận theo tự nhiên và không cần tiêm vắc xin và phụ thuộc vào thuốc. Tục đế là sống cuộc sống hiện đại và phụ thuộc vào thuốc. Nếu sống theo tục đế thì buộc phải theo tiêu chuẩn đúng sai của tục đế để kéo dài sự sống. Lỡ leo lên lưng cọp thì phải ngồi thật chắc trên đó, leo xuống là giải thoát sớm. Tuy nhiên, bạn không thể sống cả đời trên lưng cọp được. Sống theo tục đế chỉ là tạm thời, ngày càng có nhiều vấn đề mới phát sinh và cần thêm rất nhiều tục đế khác được tạo ra để chắp vá cho cái sai tiếp tục tồn tại.
Người mà sống phụ thuộc vào thuốc thì chỉ có thể chữa triệu chứng tạm thời để giảm bớt đau đớn nhưng bệnh vẫn còn đó và ngày càng phát sinh nhiều bệnh ngầm khác. Gà mà nuôi bằng thuốc thì tích tụ hàng đống hóa chất độc hại trong người chúng, cuối cùng cũng vào trong cơ thể con người tất cả mà thôi.
Vũ trụ vốn dĩ thiết kế con người phải vận động cơ bắp hàng ngày để tìm kiếm thức ăn. Con người ngày nay thiếu vận động cơ bắp do sức lao động đã bị thay thế bởi máy móc hiện đại nên mới phát sinh các vấn đề sức khỏe, cả thể xác lẫn tâm thần. Vũ trụ cũng thiết kế con người có bộ não để suy nghĩ, phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo thì sau này con người sẽ điên loạn hơn nữa và cần đến những dịch vụ như “phòng gym cho bộ não”.
Thiện ác, đúng sai, tốt xấu
Con người ngày nay sống sai với thiết kế của vũ trụ nên mọi tiêu chuẩn thiện ác, đúng sai, tốt xấu chỉ là tạm thời dựa trên nền tảng sai lầm không bền vững, dựa trên tục đế. Muốn trở về chân đế thì hoặc là đợi vũ trụ vận hành tái thiết lập toàn bộ trở lại hoặc là con người phải tự giác thống nhất với nhau, đặt ra tiêu chuẩn chung và thay đổi nhận thức dần, chứ không thể một sớm một chiều là thành công ngay.
Nhiều điều bạn cho là hiển nhiên như việc tích trữ tài sản, niệm phật cầu xin, đốt nhang đèn giấy tiền vàng mã cho người chết… là đúng vì ngay từ bé bạn đã thấy mọi người xung quanh bạn đều làm như vậy. Nên khi nghe tôi nói tích trữ tài sản là ác nghiệp nhiều người sẽ tức giận và cho rằng tôi nói nhảm nhí. Tuy nhiên, nếu bạn được sinh ra trong bộ tộc Kogi thì bạn sẽ xem việc tích trữ là tội ác, là điều không có gì để bàn cải vì ở đó chẳng ai tích trữ cả.
Đất đai từ ngày xưa do con người đến sống, rồi tự rào chắn, rồi sau này nhà nước hình thành mới cấp sổ công nhận quyền sử dụng riêng của từng người. Vì bạn cho là đất, là nhà của bạn nên người hay con vật nào xâm phạm thì bạn tức giận, đánh đuổi hoặc giết hại. Nhưng tất cả chỉ là tục đế theo quy ước của con người. Nếu theo chân đế thì không có gì là của riêng, tất cả là của vũ trụ. Tuy nhiên, bây giờ tôi không thể vào đất nhà người khác mà nói lý chân đế với họ, con người muốn sống yên ổn hòa thuận phải theo quy ước của tục đế.
Phần lớn những tiêu chuẩn đúng sai, thiện ác, tốt xấu do con người quy ước trong xã hội hiện nay đều là tục đế. Khi giác ngộ thấy ra sự thật thì bạn sẽ thấy những tiêu chuẩn này “lộn tùng phèo” cả lên. Người thành công là những kẻ hủy diệt trái đất nhiệt tình nhất. Kẻ đưa nhân loại đến bờ hủy diệt lại được tôn sùng như vĩ nhân. Số đông không phân biệt đâu là ân nhân, đâu là kẻ phá hoại. Yêu thương bản thân lại nghĩ là yêu thương người khác. Nhiều khi giúp người nhưng thực chất hại người. Báo hiếu nhưng thực ra là bất hiếu. Tức giận, máu sôi sùng sục lên tranh cãi đúng sai với người khác thực chất là đang giúp đỡ người khác nhận ra cái sai của họ.
Tuy sống trong tục đế bạn phải tuân thủ theo tục đế nhưng bạn có thể dùng nhận thức đúng đắn theo chân đế hóa giải khổ đau. Ví dụ như bị mất tiền bạc của cải, vì bạn xem đó là của bạn nên bạn mới đau khổ nhưng nếu bạn xem đó chỉ là phương tiện để bạn sinh tồn, đáng lý ra bạn không được tích trữ thì bạn sẽ rất dễ dàng thoát ra khỏi khổ đau do tâm trí tạo ra. Bạn tức giận muốn giết các động vật nhỏ (ruồi, muỗi, gián, kiến, chuột…) khi chúng vào nhà bạn vì bạn cho đó là nhà của bạn nhưng bạn hiểu vũ trụ là ngôi nhà chung của muôn loài thì bạn sẽ thấy mình không được phép làm tổn hại chúng.
Ví dụ khác, theo chân đế thì con người không được phép tích trữ nhưng nếu muốn tồn tại trong xã hội tục đế thì bạn phải thích nghi theo để sống. Tuy nhiên, bạn có thể tích trữ cho cuộc sống giản dị nhất, còn lại ngoài kia ai thích tranh dành nhà đẹp, lầu cao, xe sang gì đó thì cứ mặc kệ họ. Thay vì kiếm thật nhiều tiền để đi làm từ thiện thì hãy làm với tâm thế sẻ chia, thu lợi nhuận ít lại, đủ nuôi bản thân và những người phụ thuộc thôi, còn lại để xã hội tự phân chia với nhau. Nếu bạn đang làm doanh nghiệp, thay vì tích tụ tư bản thì hãy hoạt động theo kiểu chia sẻ tư bản, ai thích tích tụ thì cứ mặc kệ họ.
Giác ngộ là trở về với chân đế. Sống trong tục đế, hay nói cách khác là sống với những nhận thức sai lầm để nhận lấy kết quả khổ đau để hiểu được thế nào là nhận thức đúng đắn. Những người thấy ra sự thật nói không đúng sai, thiện ác, tốt xấu chính là vì vậy. Phải có sai, từ sai mới nhận ra đâu là đúng. Chứ không phải như nhiều người hiểu không có đúng sai, pháp môn nào cũng đúng, còn chấp đúng sai là chưa giác ngộ.
Ví dụ như loài người bây giờ, phải phát triển khoa học, chạy theo vật chất, cuối cùng dẫn đến thiên tai, nhân họa, hủy diệt hàng loạt mới nhận ra sai lầm của mình. Sẽ không có chuyện mà bộ tộc Kogi xuất hiện, xưng anh và khuyên các em “đừng nên hủy hoại thân xác mẹ trái đất nữa vì đó là đang tự hủy hoại mình”, và cả thế giới tin và nghe theo ngay. Phải trải qua khổ đau từ những sai lầm người ta mới biết thế nào là đúng. Người Kogi sở dĩ họ sống theo lối sống như bây giờ vì tổ tiên họ đã trải qua những lần “reset” khốc liệt của trái đất.
Tại sao không tu hành tinh tấn?
Những người nói tu hành tinh tấn thường họ sẽ hiểu tu hành như là làm việc kiếm tiền, phải làm từng bước theo kế hoạch để đạt mục tiêu đề ra. Ví dụ như, mỗi ngày phải thiền bao nhiêu giờ, thiền như thế nào để đạt tầng thiền nào, giữ bao nhiêu giới để giác ngộ… Nhưng tất cả những hành động đó đều là những biến thể của tâm sân.
Tâm sân không phải chỉ đơn giản là tức giận đánh người mà nó biểu hiện ra thành muôn hình vạn trạng khác nhau. Tùy vào trình độ học vấn khác nhau, tâm sân có thể biểu hiện thành một kẻ thô lỗ tức giận thì đánh mắng người, hoặc một người thành đạt khinh khi người khác, hoặc một người âm hiểm ngấm ngầm mưu hại người.
Tùy vào đối tượng bị giết khác nhau, nó có thể là một kẻ tàn ác giết người hàng loạt hoặc một vị anh hùng anh dũng giết giặc. Cùng là một đối tượng tức giận không thể khống chế, có thể giết người ngoài để báo thù cho cha mẹ và được cộng đồng mạng tung hô là có hiếu, nhưng cũng có thể vì mâu thuẫn trong nhà mà giết cha mẹ gọi là bất hiếu. Cùng là một người cuồng chiếm hữu, có thể giết người yêu rồi tự sát khi chưa chiếm hữu được nhưng khi có được rồi sẽ chán ghét và phát sinh thói ngoại tình.
Tùy vào công việc khác nhau, nó có thể là một người nỗ lực, kiên trì, phấn đấu vươn lên không ngừng trong công việc, hoặc một người tu chịu được khổ hạnh cực đoan hơn người khác, hoặc một vị anh hùng dân tộc bị địch tra tấn dã man mà vẫn kiên cường bất khuất.
Tùy mức độ sân khác nhau kết hợp với các tâm khác sẽ dẫn đến hành động và kết quả khác nhau. Ví dụ, có người tức giận thì tìm mọi cách để trả thù nhưng có người dù tức giận cỡ nào cũng không làm chuyện hại người, đơn giản chỉ là không hợp thì tránh xa. Có người dễ giận dễ quên nhưng cũng có người thù oán dai dẳng hàng chục năm chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ.
Ngoài ra, tâm sân cũng núp bóng dưới nhiều hình thức khác như làm từ thiện để được phước đức, để đánh bóng thương hiệu công ty, để được xã hội ưu tiên… Người làm việc thiện từ lòng trắc ẩn không cần bất kỳ công nhận nào cả. Ngược lại, người làm việc thiện có mục đích sẽ lấy việc cứu giúp được cho bao nhiêu người ra để hơn thua với người khác. Nhóm người này nếu theo như trong ví dụ đàn khỉ, họ giống như những con khỉ giàu cướp đoạt trái cây từ tự nhiên sau đó ban phát cái ăn để thao túng lũ khỉ nghèo. Nếu chiếu theo chân đế thì họ đang “mượn hoa cúng phật”.
Nếu vì đau khổ trong cuộc sống mà tìm đến tu hành thì bạn không thể giữ y nguyên cái tính cách tinh tấn, kiên trì như cách chạy theo tiền tài và danh vọng để mà sớm giác ngộ. Như vậy cũng chỉ là tự đi tìm cho mình cái khổ khác mà thôi. Khổ đau là kết quả của những gì trái lại với thiết kế của vũ trụ cho con người. Tu hành là buông bỏ những cái khiến bạn khổ đau để trở về sống thuận theo thiết kế của vũ trụ. Tức là, bạn phải phát triển cái tính cách đối lập với tính cách hiện thời của mình để cân bằng lại.
Ví dụ, nếu hiện giờ bạn là người thích ăn uống, hưởng thụ, lười vận động thì hãy vận động nhiều hơn. Nếu hiện thời bạn đang có tính cách kiên trì, kế hoạch, tinh tấn, làm cái gì cũng muốn làm tốt hơn người khác gấp nhiều lần thì hãy cân bằng cái tính cách đó bằng cách buông xả, lười biến, tùy hứng, sống chậm lại, tận hưởng cuộc sống, mặc kệ đời…
Điều đó cũng chính là phát triển luân xa 4 để cân bằng lại luân xa 3. Các luân xa chính là các tâm của bạn, chúng tạo nên tính cách khác biệt của mỗi con người. Nói cân bằng 7 luân xa thì nhiều người không hiểu nên tôi chỉ nói đơn giản là “tất cả những tính cách mà con người có bạn đều phải phát triển mỗi thứ một ít chứ không được thiên lệch về một phía nào quá”.
Có người thích vận động, người thích ăn ngủ, người thích hơn thua tranh đấu, người thì ai làm gì mặc kệ, người thích cho đi, người thì chỉ muốn nhận không muốn cho, người thích thuyết trình, người thích sống cả đời nghiên cứu trong phòng thí nghiệm… Tuy nhiên, thích cái gì thì thích, kết quả cuối cùng đều phải phát triển hoàn thiện thành một con người cân bằng theo thiết kế của vũ trụ. Chống lại điều đó là tự chuốc lấy khổ đau. Khi 7 luân xa của bạn sắp cân bằng thì tự động vũ trụ sẽ đưa nhân duyên đến để giúp bạn thức tỉnh.
Mọi tính cách của con người đều đáng được tôn trọng vì Thượng Đế không thiết kế cái gì vô dụng cả. Loài người ngày nay xem trọng vật chất nên mới chú trọng tính cách tự tin, bản lĩnh, cạnh tranh, hơn thua, tranh dành từ tâm sân mà xem nhẹ tính an nhàn, buông thả, tùy hứng, dễ thỏa hiệp từ tâm thiện.
Con người vốn dĩ không đến mức phải chật vật kiếm sống và việc thức tỉnh ngay trong đời sống thế tục vốn dĩ cũng không quá khó khăn. Chỉ vì con người đề cao những tính cách từ tâm sân nên mới khiến mọi thứ trở nên khó khăn, cần phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bất chấp thủ đoạn để đạt được. Tuy nhiên, hậu quả do tâm sân tạo ra sẽ là thiên tai, nhân họa, hận thù và chiến tranh.
Một người cân bằng sẽ có cuộc sống cân bằng như trong bài “sống trên đời làm gì?” tôi đã nói đến. Bạn cũng có thể tham khảo lối sống của người Kogi. Họ sống hòa hợp thiên nhiên, ăn chay, không tích trữ, và không dành quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm thức ăn. Đấy chính là lối sống của những người giác ngộ thực sự. Giác ngộ là thấy ra sự thật mà sự thật chỉ đơn giản như vậy thôi.
Huệ Nguyễn says:
Bài viết hay quá ạ. Xin cảm ơn tác giả 🙏