Không nên tùy tiện can thiệp nghiệp quả của người khác
Updated: 04/06/2024 - By: Siêu - Categories: Nghiệp quả
Một việc không nên làm nhất là can thiệp vào nghiệp quả của người khác một cách tùy tiện. Bất cứ khi nào bạn giúp đỡ ai đó mà họ đáp trả lại bằng sự thù hận thì bạn đã can thiệp vào nghiệp quả của người khác thất bại. Những người làm trong lĩnh vực tâm linh, có một số khả năng đặc biệt, rất dễ phạm phải những sai lầm khi can thiệp vào nghiệp quả của người khác dẫn đến khổ đau cho chính bản thân. Dưới đây là những việc dễ để lại hậu quả xấu khi can thiệp vào nghiệp quả của người khác.
- 1. Chiêm tinh, bói toán
- 2. Can thiệp thay đổi tương lai
- 3. Tâm thức của người bạn muốn giúp
- 4. Phán xét người khác
- 5. Giúp người nhưng thực chất hại người
- 6. Khiến người khác phụ thuộc vào bạn
- 7. Thôi miên hồi quy tiền kiếp
1. Chiêm tinh, bói toán
Trong vũ trụ tồn tại một quyền của con người ai phạm vào quyền lợi này của người khác thường gánh hậu quả xấu vào bản thân. Đó là quyền được khổ. Phải khổ đau người ta mới học được những bài học giác ngộ của mình. Ai giúp đỡ người khác mà không giúp cho người đó nhận ra được bài học nghiệp quả của mình thường mang phiền toái về cho chính bản thân.
Chiêm tinh, bói toán, soi căn, dự báo tương lai… là những việc dễ can thiệp vào nghiệp quả người khác sai cách nhất. Dùng những công cụ bói toán giúp người khác tránh khổ đau nhằm thu lợi ích cá nhân dù cho khôn khéo cỡ nào cũng có những kết cục không tốt.
Nếu bạn dùng khả năng tâm linh của mình để báo trước cho người khác những điều chưa xảy ra thì có nhiều trường hợp xảy ra sau đây. Nếu bạn nói điều họ muốn nghe thì cho dù không biết bạn là ai họ cũng hoan hỷ chấp nhận. Nếu bạn nói không đúng ý muốn của họ sẽ gây sự hận thù giữa họ và bạn. Nếu họ tin điều bạn nói là sự thật thì sẽ cố gắng làm mọi cách để thay đổi vận mệnh.
Trong phim cuộc đời đức phật, lúc phật Thích Ca ra đời, có ông tiên nhân dự đoán phật sẽ làm người tu khổ hạnh sau này. Điều này không đúng như mong muốn của vua Tịnh Phạn (cha của phật) khiến ông làm đủ mọi cách để ngăn cản điều tiên tri thành sự thật. Và ông đã lập ra một thành riêng dồn những người nghèo khổ bệnh tật vào trong đó khiến họ sống không bằng chết.
Cái người được gọi là tiên nhân trong phim thực ra chỉ vì muốn chứng tỏ khả năng tiên tri của mình mà đã can thiệp vào nghiệp quả của rất nhiều người. Lúc tiên tri ổng cũng dự đoán ổng sống không được lâu nữa. Lý do ổng chết vì cái gì thì phim không có nói nhưng nếu bạn xem nhiều phim cổ trang sẽ biết nói trái ý vua thì kết cục bi thảm như thế nào rồi đúng không. Nếu ổng không bị vua xử thì cũng bị xử bởi những người vì ổng mà đau khổ.
Những người giác ngộ thực sự khi bắt buộc phải tiên tri sẽ không dám nói trực tiếp mà sẽ nói giảm nói tránh dù vua có hỏi như thế nào. Ví dụ như dự ngôn của Lưu Bá Ôn khi được Chu Nguyên Chương hỏi về tương lai của nhà Minh. Làm sao ông dám nói là nó sẽ bị diệt vong? Nếu có nói thì nói giảm nói tránh chơi chữ để đến khi sự việc xảy ra rồi thì người đời mới có thể hiểu được.
Những người thường xuyên lên mạng giả thần giả ma, gieo rắc sự sợ hãi, dự báo thiên tai, thanh lọc người… là đang can thiệp vào nghiệp quả của người khác sai cách. Đa phần họ làm điều đó với mục đích danh tiếng hoặc tiền bạc hoặc vì hận đời nên muốn nhiều người đau khổ theo. Dù bất kỳ mục đích gì, nếu không xuất phát từ lòng trắc ẩn thì họ sẽ là những người được thanh lọc đầu tiên.
Những đứa bé có khả năng đặc biệt từ rất sớm nếu không được cha mẹ định hướng theo con đường đúng đắn dễ phạm vào can thiệp nghiệp quả của người khác dẫn đến khổ đau. Người thức tỉnh tốt nhất khi ở độ tuổi đủ chín chắn từ 30-35. Độ tuổi này vừa không quá trẻ để ngông cuồng ngạo mạng, cũng không quá già không còn khả năng phụng sự.
2. Can thiệp thay đổi tương lai
Người giác ngộ có thể tránh được những tai nạn xảy đến bất ngờ kiểu như cây ngã đè hay cháy nổ do được báo trước qua những giấc mơ hay trực giác. Tuy nhiên, trực giác của họ là do nhiều kiếp cứu người giúp đời mà có và chỉ được dùng để họ tự cứu lấy bản thân mà thôi. Nếu họ kéo thêm những người khác ra khỏi tai họa thì phạm vào luật nhân quả của vũ trụ.
Những người thấy trước tương lai nếu can thiệp vào nhằm thay đổi vận mệnh của dòng họ, dân tộc, quốc gia của mình sẽ có kết thúc rất thê thảm. Họ thường bị hại bởi những người mà họ muốn cứu. Thực chất họ đang cản trở quá trình tiến hóa của người khác nên bị chính những người đó hãm hại. Đấy là những gì tôi đúc kết được từ sai lầm của những người đi trước.
Ví dụ tôi mơ thấy nhà tôi bị cháy do tính cẩu thả của những người thân trong gia đình tôi. Nếu tôi báo trước cho họ biết thì một là họ không tin, hai là họ tin và chỉ phòng tránh được tai nạn trong một lần đó. Tuy nhiên, nếu tính cẩu thả của họ vẫn còn thì nghiệp quả cũng sẽ xảy đến với họ theo một cách nào đó mà thôi. Như vậy tôi đã can thiệp sai cách vào nghiệp quả của người thân tôi khiến họ không nhận được bài học. May mắn thì tôi bị vũ trụ đưa khổ đau đến cảnh cáo nhẹ, nặng thì tôi chuyển kiếp sớm. Như vậy, không lẽ thấy chết không cứu? Tôi nghĩ là tôi được quyền nhắc nhở người thân mình cẩn thận hơn còn họ có nghe theo hay không là nghiệp quả của họ. Thực tế, tôi đã tránh được nguy hiểm nhiều lần bởi mơ thấy trước tương lai nên tôi mới có những suy nghĩ như vậy.
Khả năng biết trước tương lai tốt nhất không nên có, nếu có cũng không nên dùng. Nếu dùng khả năng đặc biệt mà biết trước số mệnh của chính mình sẽ dẫn đến lo sợ không cần thiết. Nếu can thiệp vào cái chết của chính mình sẽ chết theo kiểu khác đôi khi còn đau đớn hơn. Nếu can thiệp vào nghiệp quả của một người thì chỉ kéo dài thời gian người đó chịu nghiệp khổ nhưng vô tình làm những người khác phải chịu khổ sớm hơn. Nó chỉ làm nghiệp quả vũ trụ xảy ra theo một cách khác mà thôi.
Người giác ngộ nếu không phạm sai lầm khi can thiệp vào nghiệp quả của người khác thì họ sẽ có cuộc đời bình yên và sống rất thọ. Nhiều người còn biết trước được khi nào mình ngủ luôn không tỉnh dậy nữa. Nếu họ có cái chết không tự nhiên thì chắc chắn 100% rằng họ đã làm trái luật vũ trụ. Nghiệp quả vũ trụ đã vận hành một cách rất hoàn hảo rồi, không cần can thiệp thêm.
Con người cần phải trải qua đau khổ mới có thể giác ngộ. Giác ngộ chính là hiểu rõ tại sao lúc trước mình khổ, tại sao người khác khổ, hiểu rõ cách nghiệp quả vận hành để tránh rước khổ vào thân. Bạn cũng có thể tránh được khổ đau bằng cách học từ khổ đau của người khác hoặc học lại những điều người giác ngộ đi trước truyền dạy lại. Tuy nhiên, phải dùng lòng trắc ẩn thì bạn mới có khả năng thấu hiểu được khổ đau của người khác.
Phật và bồ tát chỉ là những người bình thường chứ không thể bay lượn dùng thần thông như trong Tây Du Ký. Bồ tát là những người bình thường có tấm lòng từ bi (trắc ẩn) vì chưa hiểu cách nghiệp quả vận hành nên gặp ai cũng muốn cứu dẫn đến khổ đau cho chính mình. Khi bồ tát chịu đủ khổ đau rồi sẽ hiểu cách vũ trụ vận hành và giác ngộ hoàn toàn. Có người giác ngộ rồi thì ẩn cư mặc kệ sự đời, người thì để lại lời dạy cho những ai muốn nghe.
Khi bạn muốn hóa giải một nghiệp quả xấu cho người khác, điều duy nhất bạn có thể làm là dùng lòng trắc ẩn của mình để khơi dậy lòng trắc ẩn trong lòng những đối tượng liên quan để hóa giải thù hận trong lòng họ. Đó là cách phật Thích Ca đã làm khi muốn giúp cho dòng họ mình thoát khỏi thảm họa diệt vong. Làm bất kỳ điều gì khác nhằm ngăn cản nghiệp quả xấu xảy ra đều sẽ chịu hậu quả xấu. Chỉ có sự biết ơn và lòng trắc ẩn mới có thể hóa giải được thù hận và chuyển hóa được nghiệp quả xấu. Thù hận chỉ làm cho thù hận ngày một lớn.
Con người chỉ như một hạt bụi nhỏ bé so với vũ trụ bao la rộng lớn. Ta không có gì cả, ngay cả tư tưởng của ta, tất cả do vũ trụ ban cho. Muốn có cuộc đời bình yên thì thuận theo sự sắp đặt của vũ trụ. Chỉ nên nói hoặc viết ra những gì mình giác ngộ rồi để đó, ai đọc nghe theo hay không thì tùy duyên. Vũ trụ sẽ tự sắp xếp những người phù hợp vào từng thời điểm thích hợp tìm đến những giáo pháp tương ứng. Đừng cố thay đổi người khác theo ý muốn của mình, chỉ nên giúp đỡ người khác khi họ thực sự cần.
3. Tâm thức của người bạn muốn giúp
Hoa Đà vì muốn chữa bệnh đau đầu cho Tào Tháo mà bị xử tử vì phương pháp chữa bệnh của ông vượt quá tầm hiểu biết của con người thời kỳ đó. Thời xưa đâu ai nghĩ đến việc mở hộp sọ ra chữa bệnh còn có thể sống được. Tuy nhiên, người bình thường không muốn chữa trị thì thôi nhưng đối với Tào Tháo suy bụng ta ra bụng người nên nghĩ Hoa Đà muốn ám hại ổng nên trừ khử.
Ví dụ thực tế hơn, tôi xem Tiktok thấy người ta làm bún bỏ hóa chất vào để làm trắng và chậm thiêu, tôi khuyên người nhà tôi không ăn bún nữa. Tuy nhiên, có người lại cho tôi lòng dạ xấu xa nên nghĩ những người làm bún xấu xa và lấy lý do người ta ăn đầy có ai bị gì đâu để tiếp tục ăn. Như vậy, tôi đã can thiệp vào nghiệp quả của người khác thất bại rồi đó.
Không biết chất độc mà ăn vào thì gọi là bị hại do nghiệp vô minh do không chịu đọc tin tức. Nếu biết mà vẫn ăn để bệnh tật gọi là nghiệp tham ăn do tâm si dẫn dắt. Nghiệp của những người bị tâm si dẫn dắt tôi đã có nói đến trong những bài trước “ăn cho sướng cái miệng thì khổ cái thân”. Đấy là những gì trong thực tế xảy ra mà tôi thấy được.
Thực tế, người ta biết ăn nhiều đường, uống nhiều đồ ngọt bị đủ thứ chứng bệnh mà người ta cũng có bỏ được đâu. Đến hồi bị tiểu đường, suy thận lại đỗ cho vô thường. Rồi lại trách trời trách đất ở hiền sao gặp đủ thứ tai họa. Rồi lại mong cầu giải thoát niết bàn. Đến hồi tu cũng lười, không chịu sửa đổi bản thân mà chỉ muốn cầu xin thần thánh rước về cái cõi nào đó không còn khổ đau nữa.
Bất cứ khi nào bạn giúp đỡ ai đó mà họ đáp trả lại bằng sự thù hận thì bạn đã can thiệp vào nghiệp quả của người khác thất bại. Do đó, khi muốn cứu ai thì hãy xem tâm thức người đó có sẵn sàng để đón nhận những điều mà bạn muốn nói hay không. Đối với những người quá cố chấp hay bị tâm dẫn dắt quá nặng thì chỉ có khổ đau mới khiến họ tỉnh ngộ. Đối với những người hỏi với thái độ biết rồi thì đừng trả lời làm gì vì họ chỉ muốn gài bẫy để mỉa mai bạn mà thôi. Họ muốn hơn thua thì cứ nhường họ một chút để cho họ thỏa mãn cái tôi của họ. Khi cái tôi của họ to đùng là lúc họ nhận lấy bài học khổ đau.
4. Phán xét người khác
Người khác làm sai là nghiệp xấu của họ nhưng nếu bạn phán xét, chỉ trích họ thì bạn tự tạo nghiệp cho chính mình. Mọi việc tồn tại trên đời đều có lý do của nó. Ngay cả cái chùa lập ra nhằm mục đích trục lợi sở dĩ tồn tại được là do có rất nhiều người u mê, chỉ muốn giàu có, hạnh phúc nhưng không muốn sửa đổi bản thân. Khi những đối tượng này không còn nữa thì những công ty chùa tự nhiên sẽ bớt dần. Nếu bạn có thể giúp họ tỉnh ngộ thì bạn đang gieo một nghiệp quả tốt cho cả họ và bản thân mình. Nhưng nếu bạn khiến họ chán ghét bạn rồi bạn lại đáp trả lại y hệt thì bạn tự tạo nghiệp xấu cho mình.
Tùy vào giai đoạn tiến hóa linh hồn khác nhau của từng người mà họ có tính cách và hành động khác nhau, không ai giống ai. Những việc làm của một người nào đó hiện tại bạn cho là ngu ngốc có thể là việc bạn đã từng làm trong những kiếp sống trước khi tâm bạn chưa phát triển. Bạn chửi mắng họ giống như việc người lớn mà đi chửi mắng một đứa con nít khi nó làm sai vậy. Việc phán xét, buộc tội người khác khi bạn chưa đủ trí tuệ đa phần là sai và tự tạo nghiệp xấu cho chính bản thân. Sống tốt trước cho chính mình và gìn giữ trái đất để tiếp tục sống và tiến hóa mới là việc làm cấp thiết hàng đầu.
Đừng lo sợ việc trên đời này không còn ai dạy cho những người ác bài học thích đáng vì đó là lo bò trắng răng. Những sự mất cân bằng sẽ tự tương tác với nhau để hướng đến sự cân bằng. Việc của mỗi người là tự cân bằng tâm thức để tách mình ra khỏi vòng xoáy nghiệp quả của những người khác. Bạn tự cân bằng là đã giúp được cho rất nhiều người có mối quan hệ nghiệp quả với bạn hướng đến cân bằng theo.
5. Giúp người nhưng thực chất hại người
Trước lúc tỉnh thức, nhiều điều bạn cho là tốt nhưng lại là làm hại người khác. Ví dụ như thấy vợ chồng nhà người khác cãi nhau khuyên người ta bỏ vợ bỏ chồng. Hay tụ tập bàn tán về chuyện gia đình người khác. Hay thấy người ta độc thân thúc dục lấy vợ lấy chồng mai mối tầm bậy tầm bạ. Hay thấy bạn bè cờ bạc nợ nần cho mượn tiền để gỡ gạc. Hay thấy người ta ăn chay khuyên ăn mặn lại. Hay đặt người ta bắt cá, bẫy chim để mình phóng sinh.
Trường hợp này cũng xảy ra thực tế trong cuộc sống gia đình rất nhiều. Ví dụ như hai vợ chồng một người cắm mặt làm ngày đêm kiếm tiền để nuôi dưỡng cho sự hưởng thụ, lãng phí của người kia. Nuôi dạy con mà yêu thương chiều chuộng quá mức nghĩ rằng tốt cho con nhưng thực chất là hại con. Báo hiếu cha mẹ mà không cho cha mẹ động tay chân, động não cũng khiến cha mẹ sớm lú lẫn và bệnh tật.
Do đó, trước lúc thức tỉnh, hãy bớt xen vào chuyện của người khác, mỗi người chỉ nên tìm ra lỗi sai của chính bản thân và sửa đổi là tốt nhất. Mỗi người tự quay về làm tốt công việc của mình thì tự nhiên xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
6. Khiến người khác phụ thuộc vào bạn
Trước lúc thức tỉnh tâm linh, tôi có tư tưởng muốn chăm lo hết những người thân của tôi, dù họ có đầy đủ sức khỏe nhưng không chịu học tập và làm việc. Tuy nhiên, bài học đầu tiên quan trọng nhất tôi học được trong đêm thức tỉnh tâm linh đó là mỗi người đều phải tự có trách nhiệm cho cuộc đời mình, không ai phải có trách nhiệm cho cuộc đời của người khác, kể cả đó là cha mẹ, vợ / chồng, con cái của ta.
Chỉ khi mỗi người tự ý thức độc lập thì họ mới biết chú trọng giữ gìn sức khỏe và chú trọng rèn luyện để tự lo cho bản thân. Chính cái tư duy phụ thuộc lẫn nhau khiến nhiều người ăn uống sinh hoạt bừa bãi, lười biến thể dục thể thao, lười học hỏi cái mới, đến khi bệnh tật thì báo hại người thân.
Điều này tôi đã được trải nghiệm thực tế sau thức tỉnh và thấy rất hiệu quả. Người thân của tôi mà khuyên hoài không nghe thì tôi sẽ mặc kệ, để họ nhận lấy bài học nghiệp quả của mình. Khi họ thấy không còn ai quan tâm đến cuộc đời của họ thì họ sẽ tự thay đổi để tự lo cho mình. Còn người để dựa dẫm thì họ sẽ mãi không chịu thay đổi. Qua đó, tôi mới thấy vũ trụ vận hành quá tuyệt diệu. Thay vì để người khác dạy họ các bài học nghiệp quả đến mức khổ đau không tìm ra lối thoát, tôi sẽ là người thực hiện điều đó nhưng chỉ ra cho họ lối thoát.
Chúng ta nên giúp nhau rèn luyện khả năng độc lập, tự sống cuộc sống của riêng mình. Nếu còn sống phụ thuộc thì hãy luôn biết ơn và trắc ẩn lẫn nhau vì không ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của ai cả. Các mối quan hệ càng thân thuộc thì người ta càng có xu hướng phớt lờ lòng biết ơn lẫn nhau vì họ cho rằng việc người khác đối tốt với họ là nghĩa vụ mà cha mẹ, vợ / chồng, con cái phải làm theo quy ước của xã hội. Chính điều này làm cho rất nhiều người đau khổ trong cuộc sống gia đình.
Đừng biến gánh nặng cuộc đời mình thành nghĩa vụ của người khác. Câu này nghe rất vô tình nhưng nếu bạn có thể thấy được nghiệp quả vì sao những người thân của bạn đến với cuộc đời bạn thì có khi bạn còn tuyệt tình hơn tôi. Tuy nhiên, bất kỳ vì điều gì thì si mê bám chấp hoặc thù hận lẫn nhau chỉ càng làm nợ nghiệp thêm chồng chất từ kiếp này qua kiếp khác. Chỉ có sự biết ơn và lòng trắc ẩn mới hóa giải được tất cả các loại nghiệp quả xấu.
Các thành viên trong gia đình nên xem nhau như những cá thể độc lập, giúp nhau rèn luyện khả năng sống độc lập, không nên dựa dẫm vào nhau. Khiến người khác sống phụ thuộc vào bạn không những làm chậm trễ quá trình tiến hóa của họ mà còn gây ra gắn kết nghiệp quả giữa bạn và người đó nhiều đời nhiều kiếp không dứt ra được. Quá trình này chỉ kết thúc khi một trong hai người không còn chịu đựng nỗi đòi hỏi của người kia và tìm cách dứt ra.
7. Thôi miên hồi quy tiền kiếp
Dùng thôi miên để thay đổi tiềm thức của người khác theo ý muốn là việc làm can thiệp vào nghiệp quả của người khác một cách thô bạo nhất. Con người không cần phải trở về quá khứ để thay đổi những việc đã xảy ra. Phần lớn đau khổ của con người là do những nhận thức sai lầm của họ mà ra. Cần chấp nhận hiện tại, thay đổi cách nhận thức vấn đề theo chiều hướng khác đúng đắn hơn là đã có thể hóa giải được khổ đau rồi.
Ví dụ một trường hợp người ta dùng thôi miên để giúp một người bệnh thừa cân từ bỏ khoai tây chiên. Người thôi miên đã đưa người bệnh về lúc họ đang ăn khoai tây chiên và thay đổi tiềm thức khiến người đó ghê tởm khoai tây chiên. Việc làm này đã can thiệp vào tiềm thức của người khác sai cách. Nó cài cắm vào trong tiềm thức của người đó một sự kiện không đúng sự thật có thể gây hậu họa tiềm tàng về sau này. Nó cũng khiến người đó không nhận ra được bài học của mình. Bỏ được khoai tây chiên thì người đó cũng nghiện một loại thực phẩm khác mà thôi. Bài học người bệnh này cần học là phải biết ăn uống, sinh hoạt sao cho không ảnh hưởng sức khỏe, ăn để sống khỏe chứ không phải sống để ăn uống, hưởng thụ.
Ngoài ra, cái mà nhiều người nhầm tưởng là ký ức tiền kiếp đôi khi là những hình ảnh không có thực do não tự tạo ra. Ai từng nằm mơ cũng biết hình ảnh trong những giấc mơ đa phần là những sự kiện ở những thời điểm khác nhau trong quá khứ được cắt ghép lại với nhau. Ví dụ như mơ thấy khung cảnh ngôi nhà ở hiện tại nhưng trong sân lại có chiếc xe đã bán từ rất lâu rồi.
Huệ Nguyễn says:
Bài viết này giúp mình nhận rõ những việc sai trái mà mình từng làm. Biết sai rồi mình nguyện sẽ sửa. Biết ơn tác giả.
Huệ Nguyễn says:
Chào bạn Siêu thân mến,
Bạn vui lòng tư vấn giúp, làm cách nào để phân biệt nghiệp quả đang mang phải trả (theo tâm linh) với cách cần rời khỏi những mối quan hệ độc hại mà mình đang có.
Mình chưa đủ tuệ giác nên đang rất mông lung đứng giữa ranh giới chịu đựng, tha thứ và tìm cuộc sống cho chính mình.
Xin cảm ơn bạn rất nhiều. 🙏